TP. Hà Nội
Gần đây, dư luận ở HN rất băn khoăn việc một số cầu dành cho người đi bộ vừa mới được đưa vào sử dụng đã chuẩn bị được tháo dỡ để thi công cầu vượt tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, cũng như việc cầu vượt dầm thép tại Láng Hạ - Thái Hà vừa đưa vào sử dụng gần một năm nay đang chuẩn bị được gia cố khả năng chịu lực để phục vụ hoạt động của tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa.
Tháng 10-2009, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội khởi công xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm và các tuyến đường xuyên tâm thành phố, có mật độ giao thông lớn, gây nguy hiểm cho người đi bộ, trong số đó có cầu dành cho người đi bộ tại các nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và nút Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt. Dự án có tổng kinh phí 350 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn dư của dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn 1).
Mặc dù thành phố yêu cầu các nhà thầu thi công phải hoàn thành công trình trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, cho nên đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, các công trình mới được hoàn tất. Công trình vừa được đưa vào sử dụng khoảng hai năm nay, thì tháng 2 vừa qua, thành phố khởi công xây dựng cầu vượt tại hai nút giao nêu trên. Ðiều đáng nói là vị trí lên xuống cầu cho người đi bộ rơi đúng vào đường dẫn lên xuống các cầu vượt, vì vậy sẽ phải dỡ bỏ hai cầu dành cho người đi bộ tại các khu vực này. Mặc dù lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, các cầu dành cho người đi bộ sẽ được di chuyển đến các vị trí khác để sử dụng, nhưng rõ ràng chỉ có thể di chuyển phần cầu chính bằng khung thép, còn phần móng, trụ cầu trị giá đầu tư hàng tỷ đồng thì chắc chắn không sử dụng được nữa.
Tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà, đầu năm 2012, thành phố quyết định xây dựng cầu vượt dầm thép dành cho xe tải hạng nhẹ, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại đây. Công trình được thi công khẩn trương, hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4 năm ngoái. Cho đến nay, mới sử dụng được gần một năm. Thế nhưng, mới đây, UBND thành phố Hà Nội lại quyết định đầu tư khoảng mười tỷ đồng để gia cố khả năng chịu lực của cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà để phục vụ hoạt động của xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (BTR) tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa đi qua. Ðiều đáng nói là dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh do Ngân hàng Thế giới tài trợ, vốn được khảo sát nghiên cứu từ trước năm 2010. Theo thiết kế ban đầu, hai làn đường riêng dành cho tuyến buýt này được bố trí sát dải phân cách giữa các tuyến đường, nhà chờ được xây dựng tại các khu vực gần ngã tư giao cắt giữa các tuyến đường phố. Thế nhưng, vị trí này hiện đã bị cầu vượt án ngữ, phần đường dưới cầu vượt còn lại quá hẹp, không đủ để bố trí làn đường riêng cho xe buýt nhanh. Do vậy, để phương tiện này hoạt động được thì phải gia cố cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà.
Việc phá dỡ, chỉnh sửa những công trình giao thông trọng điểm vừa hoàn thành và xây dựng cách đây không lâu để phục vụ thi công các công trình mới bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chuyên ngành giao thông ở Hà Nội. Do quy hoạch giao thông của Thủ đô chưa hoạch định những vị trí sẽ xây dựng cầu vượt, chính vì vậy khi triển khai công trình này đã gây xung đột với công trình cũ, dẫn đến phải tháo dỡ, hoặc phải gia cố thêm, gây lãng phí lớn. Ðể không xảy ra tình trạng tương tự tiếp theo, các ngành chức năng cần cân nhắc, tính toán thật kỹ các vị trí bố trí các công trình hạ tầng giao thông, trong đó có các cầu vượt, bảo đảm tính đồng bộ, khớp nối với các công trình giao thông khác, tránh tình trạng công trình vừa xây dựng đã bị chỉnh sửa hoặc phá dỡ, vừa gây lãng phí tiền của, vừa gây bức xúc trong dư luận.
- Theo Nhân Dân