Nhìn nhau chờ chính sách

27/03/2013 10:22:00 Lượt xem: 12
Vì được quan trọng hóa nên nhiều doanh nghiệp BĐS cố ý chờ chính sách mà lờ đi cái cách thứ hai để bán được hàng là giảm giá.

 


Câu chuyện giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) gần đây lại có dịp nóng lên với việc triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ. Không ít người tỏ ra thất vọng với con số 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất để mua nhà ở của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, số tiền đó chưa chắc sẽ giải ngân hết, do giá nhà, chứ không phải lãi suất, mới là vấn đề chính đối với người có nhu cầu mua nhà ở. Thực tế, giá một căn hộ, sau khi đã được co lại bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, hiện vẫn vượt quá khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Khoảng cách cung - cầu vẫn còn quá xa.


Chỉ có hai cách để đưa cung - cầu đến gần nhau nhanh nhất là giảm giá hàng bán, hoặc bỏ thêm tiền vào túi của người mua. Nước Đức, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, từng áp dụng cách thứ hai để kích cầu thị trường ô tô nội địa của nước này, khi trợ giá cho người dân đổi xe cũ lấy xe mới. Đối với thị trường BĐS của Việt Nam, Chính phủ cũng đã và đang áp dụng cách thứ hai này, như việc hạ giá tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, liều lượng của biện pháp này là chưa đủ và giá nhà sau khi đã được hưởng chính sách này vẫn ở xa tầm với của người có thu nhập thấp. Phải chăng, Chính phủ nên trợ giá mạnh hơn nữa, trực tiếp hơn nữa? Khó! Bởi Việt Nam rõ ràng là không “có điều kiện” như Đức. Vả lại, như lời một chuyên gia kinh tế thì điều đó dường như là ưu ái quá đối với thị trường BĐS, hay nói trắng ra là với các doanh nghiệp BĐS.


Nhưng… thời thế, thế thời phải thế. Nhiều người nghĩ vậy và các doanh nghiệp BĐS càng muốn nghĩ vậy. Giờ thì ai cũng biết rằng, nợ xấu ngân hàng là điểm nghẽn chính của nền kinh tế, mà trong nợ xấu, cho vay BĐS lại là chủ yếu. Thế nên, cứu BĐS được khuyến nghị là ưu tiên để khai thông toàn bộ nền kinh tế.


Có lẽ, chính bởi suy nghĩ phổ biến trên mà giá BĐS mãi không chịu giảm nhanh, giảm đồng loạt. Vì được quan trọng hóa nên nhiều doanh nghiệp BĐS cố ý chờ chính sách mà lờ đi cái cách thứ hai để bán được hàng là giảm giá. Nhưng cũng bởi với không ít doanh nghiệp, giảm giá là chấp nhận thua lỗ - chưa giảm thì ít ra, doanh nghiệp còn cao giá trên… sổ sách, nợ ngân hàng vẫn còn… cái vỏ. Đấy là chưa kể, trong giá BĐS, có thể có cái gọi là tiền “nuôi” chính sách, nên giờ doanh nghiệp mới có ý chờ chính sách… thanh toán khoản này.


Nếu các doanh nghiệp BĐS không có hy vọng vào một gói hỗ trợ nào đó, hẳn họ sẽ chủ động hành động, sẽ giảm giá để tháo hàng. Khi đó, cả thị trường sẽ giảm giá mạnh, sẽ có nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, tài sản của nhiều ngân hàng sẽ bốc hơi, nhưng quả bóng toàn thị trường BĐS sẽ xẹp xuống, thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên và ách tắc của nền kinh tế sẽ được khai thông.


Cũng đã có một số doanh nghiệp thực hiện giảm giá mạnh, phần vì muốn chủ động hành động sớm, phần vì nghĩ rằng, giảm giá là sự chia sẻ với khách hàng. Đó có lẽ là hành động không chỉ hợp tình, mà còn hợp quy luật, bởi suy cho cùng, lợi nhuận của doanh nghiệp mang bản chất xã hội.

- Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất