Phát triển giao thông đường bộ: 190.000 tỷ đồng/năm

04/03/2013 03:44:00 Lượt xem: 6

TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch giao thông đường bộ đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới bên cạnh việc tăng cường hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ hiện hữu và các địa phương cần chú trọng kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân.


Mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển giao thông vận tải trong thời gian tới là phải đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi, giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.


Cụ thể, khối lượng khách vận chuyển đạt 5,6 tỷ hành khách với 154 tỷ hành khách luân chuyển. Khối lượng hàng vận chuyển đạt 1.310 triệu tấn với 73 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển. Định hướng phát triển phương tiện vận tải ô tô các loại ở mức 3,2-3,5 triệu xe, trong đó xe con 57%, xe khách 14% và xe tải 29%. 


Ô tô sẽ hạn chế dần, tiến tới không lưu hành các phương tiện ô tô không phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông. Quy hoạch cũng dự báo đến năm 2020 cả nước có khoảng 36 triệu xe gắn máy. Nhưng để tránh sự bùng phát, gây áp lực lên hạ tầng giao thông tại những đô thị lớn, xe máy sẽ bị khống chế bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và kỹ thuật. 


Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, nhanh chóng phát triển xe buýt, phương tiện vận tải công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt TP Hà Nội và TPHCM với năng lực đáp ứng 25% nhu cầu tại Hà Nội và 15% tại TPHCM.


Quy hoạch giao thông đường bộ hướng đến ưu tiên vận tải công cộng các đô thị.  


Về đầu tư hạ tầng, chiến lược cũng đề ra là cần hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả. Một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các trục cao tốc trọng yếu sẽ được tập trung nguồn lực đầu tư. 


Phát triển giao thông đường bộ đô thị phù hợp với quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, đảm bảo tính đồng bộ, liên hoàn với mạng lưới giao thông vận tải của vùng, quốc gia và quốc tế. 


Cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM lên đường 4-6 làn xe cơ giới; xây dựng các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến đường tránh đô thị, hình thành đường vành đai đô thị. Song song đó, tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16-26%.


Về vốn đầu tư xây dựng, từ nay đến năm 2020, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ (không bao gồm Quốc lộ 1) khoảng 255.701 tỷ đồng, bình quân 31.963 tỷ đồng/năm; Quốc lộ 1 cần 89.362 tỷ đồng, bình quân 22.340 tỷ đồng/năm; đường Hồ Chí Minh cần 240.839 tỷ đồng, bình quân 26.760 tỷ đồng/năm; đường bộ cao tốc cần 392.379 tỷ đồng, bình quân 49.092 tỷ đồng/năm; đường bộ ven biển 28.132 tỷ đồng, bình quân 1.600 tỷ đồng/năm; đường tỉnh cần khoảng 120.000 tỷ đồng, bình quân 12.000 tỷ đồng/năm; giao thông đường bộ đô thị Hà Nội và TPHCM khoảng 287.500 tỷ đồng, bình quân 29.000 tỷ đồng/năm; giao thông nông thôn khoảng 151.404 tỷ đồng, bình quân 15.140 tỷ đồng/năm. 


Như vậy, nếu cộng mức đầu tư bình quân của các hạng mục kể trên, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của cả nước mỗi năm trên dưới 190.000 tỷ đồng.


Đáng chú ý, một trong những cơ chế, chính sách tháo gỡ “nút thắt” về vốn trong đầu tư hạ tầng giao thông vận tải thời gian tới là Nhà nước tăng mức đầu tư từ ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ, ưu tiên vốn ODA cho dự án giao thông. 


Bên cạnh đó, ngành giao thông huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế, đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT (đầu tư-khai thác-chuyển giao), BTO (đầu tư-chuyển giao-khai thác), BT (đầu tư-chuyển giao), PPP (phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân); có chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền; đầu tư một số công trình cấp bách bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. 


Các địa phương sử dụng nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách trợ giá để ưu tiên đầu tư vào vận tải công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân ở các thành phố lớn.

- Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất