Rủi ro kép từ tài sản bảo đảm của bên thứ ba

13/03/2013 10:58:00 Lượt xem: 18
Nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo của ngân hàng gần đây cho thấy, việc cấp khoản vay với tài sản thế chấp của bên thứ ba không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên giao tài sản thế chấp, mà phía ngân hàng cũng đứng trước nguy cơ mất vốn.


TAND TP. Hà Nội đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Techcombank và cá nhân ông Lương Văn Tiến. Trước đó, TAND quận Thanh Xuân đã xét xử sơ thẩm vụ án này. Vụ việc chỉ đơn giản là Techcombank cho ông Tiến vay nợ theo 2 hợp đồng tín dụng có giá trị 470 triệu đồng. Sau khi vay vốn, ông Tiến không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Techcombank tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thì mới phát hiện ra những nhập nhằng trong việc vay nợ của ông Tiến.

Để hạn chế rủi ro, ngân hàng cần thẩm định kỹ các khoản vay có tài sản thế chấp của bên thứ ba.

 
Theo đó, tài sản bảo đảm cho hợp đồng vay vốn nói trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình ông Lê Hồng Nhâm tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Sở dĩ ông Nhâm đưa nhà đất ra thế chấp là vì bản thân ông có nhu cầu vay 100 triệu đồng để đầu tư cho con cái ăn học. Ông đã nhờ người quen tìm mối vay ngân hàng và khi làm thủ tục vay vốn, ông Nhâm không đọc kỹ các giấy tờ do mắt kém. Đến khi ngân hàng gửi thông báo siết nợ, ông Nhâm mới biết đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo lãnh cho ông Lương Văn Tiến vay 470 triệu đồng, trong khi ông Nhâm chỉ được cầm về 88 triệu đồng, sau khi đã trừ 12 triệu đồng lãi vay và các chi phí khác.


Bản án sơ thẩm nhận định, hai hợp đồng tín dụng nói trên là hoàn toàn tự nguyện, hợp pháp. Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba giữa Techcombank và ông Nhâm đã được công chứng và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Đan Phượng đúng pháp luật. Do đó, HĐXX buộc ông Lương Văn Tiến phải thanh toán 530 triệu đồng cả lãi và gốc cho Techcombank. Trong trường hợp ông Tiến không trả nợ hoặc trả nợ không đủ, Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp là mảnh đất của ông Nhâm để thu hồi nợ.


Đây không phải là trường hợp cá biệt khi cá nhân cho mượn hoặc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác để vay tiền bị lợi dụng. Cách đây ít lâu, TAND TP. Hà Nội cũng xét xử vụ việc tương tự, khi một hộ kinh doanh sử dụng tài sản thế chấp là nhà đất của bên thứ ba để vay vốn ngân hàng, nhưng không có khả năng thanh toán. Trong tình huống này, Ngân hàng muốn siết nợ bằng nhà đất và bên thứ ba đứng trước nguy cơ mất nhà.


Theo luật sư Trương Thanh Đức, khi giao tài sản để bảo lãnh cho người khác vay tiền ngân hàng, người có tài sản phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu đã tự nguyện ký kết vào hợp đồng thế chấp thì không thể thoái thác trách nhiệm. Nhiều trường hợp, đội ngũ “cò vay vốn” lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số cá nhân, khi làm “hộ” thủ tục vay vốn ngân hàng đã chiếm dụng 9 phần, chỉ chuyển lại 1 phần. Trong những trường hợp này, về lý thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng thực tế, việc ngân hàng xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba luôn gặp không ít phiền phức.


Luật sư Trần Minh Hải khuyến nghị, để hạn chế nguy cơ tranh chấp khi nhận tài sản bảo đảm của bên thứ ba, ngân hàng cần đặc biệt lưu ý và coi đó là trường hợp bất bình thường để thẩm định chặt chẽ. Bên đứng ra bảo lãnh cho bên vay vốn là người thân, bạn bè của họ, nhưng khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh thì họ tìm cách thoái thác dẫn đến ngân hàng có nguy cơ mất vốn. Bởi nếu hồ sơ, thủ tục cho vay được thẩm định chặt chẽ,  thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp, nhưng ngược lại, nếu hồ sơ cho vay có vấn đề, hợp đồng thế chấp vô hiệu thì bên thứ ba có quyền rút tài sản ra.


“Hạn chế rủi ro của ngân hàng không chỉ nằm ở tài sản bảo đảm, mà còn nằm ở việc quản trị rủi ro tín dụng. Thời kỳ ngân hàng cho vay chỉ chăm chăm nhìn vào tài sản bảo đảm đã qua. Điều quan trọng với ngân hàng là cho vay phải đúng mục đích. Trong các trường hợp cho mượn, nhờ sổ đỏ để vay vốn, việc sử dụng vốn vay hầu hết đều sai mục đích, và tất nhiên, khi đó, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng sẽ giảm đi đáng kể”, ông Hải nói.

- Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất