Rủi ro từ nguồn tài chính khan hiếm chảy vào các nhóm lợi ích

08/03/2013 11:40:00 Lượt xem: 3
Rủi ro lớn nhất trong năm 2013 vẫn sẽ là lạm phát. Và yếu tố mang lại nhiều rủi ro lạm phát nhất là việc giá điện tăng và các nguồn tài chính “vốn đã khan hiếm” nhưng “có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích doanh nghiệp sân sau, thân quen”.

 

 


Đây là một trong số những cảnh báo của Ủy ban Kinh tế của QH đưa ra trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 vừa công bố sáng qua (7.3). 


Rủi ro từ “tác động nhiều vòng” của giá điện tăng 


Có 4 yếu tố được xác định có thể là nguyên nhân khiến lạm phát có nguy cơ tái phát. Thứ nhất là việc tăng lương tối thiểu. Dù việc tăng lương giúp tăng thu nhập người dân và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, việc tăng lương sẽ như một “cú sốc tiêu cực” tác động đến DN. Ủy ban Kinh tế đánh giá: “Cho dù có tác động lên mặt cầu hay cung và dù mức tăng không nhiều, song tăng lương sẽ tạo áp lực tăng giá do có thể gây ra lạm phát tâm lý”.


Nguyên nhân thứ hai là việc giá điện tăng 5%, lên mức 1.437 đồng/kWh, lần tăng giá thứ hai kể từ 1.7.2012, dù EVN đánh giá không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến mặt bằng giá của nền kinh tế; tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù chiếm một tỉ trọng nhỏ trong chi phí của hoạt động sản xuất và trong chi phí sinh hoạt của người dân, nhưng giá điện gây ra “tác động nhiều vòng” của việc tăng giá điện đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế là “không nhỏ”, chưa kể đến những “tác động tâm lý”.


Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế, mức lỗ lũy kế đến cuối 2011 của 13 tập đoàn, TCty nhà nước lên tới 48.988 tỉ đồng. Riêng EVN “đóng góp” tới 78% tổng số lỗ với kỷ lục 38.104 tỉ đồng. Đến 2012, EVN chỉ lãi 100 tỉ sau khi đã trừ 3.500 tỉ đồng lỗ của 2 năm 2010 và 2011. Chính mức lỗ đáng kể này trong khi giá đầu vào tiếp tục chịu sức ép gia tăng trong năm 2013 sẽ tiếp tục tạo sức ép tăng giá điện. Vì vậy, sức ép đối với lạm phát và sự tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục gia tăng do “hiệu ứng chi phí đẩy”. 


Một trong những nguy cơ gây lạm phát cũng được chỉ ra là “giá dịch vụ y tế và giáo dục tại một số địa phương có thể tiếp tục phải điều chỉnh theo lộ trình”.


Cả ba nguy cơ gây rủi ro trên đều xuất phát từ nội tại. Chỉ có một nguyên nhân khách quan là “không loại trừ khả năng có những đột biến về dầu thô trên thị trường thế giới”.


Không đủ khả năng giải cứu BĐS  


Về vấn đề giải cứu BĐS, theo Ủy ban Kinh tế, nợ xấu trong khu vực BĐS chiếm tỉ lệ lớn trong tổng dư nợ. Nợ xấu BĐS đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến 2 ngành xây dựng và vật liệu xây dựng với khoảng 3,8 triệu lao động. 


Sử dụng thuật ngữ “tài sản độc hại”, tức là các tài sản không có khả năng thanh toán, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc cần có giải pháp để làm chậm lại quá trình “nợ nở ra, tài sản co lại”. Tuy nhiên, việc giải quyết cũng đang đối mặt với 2 thách thức lớn. Đó là sai lệch lớn trong quan hệ cung-cầu về nhà ở, được ví như 2 hình tháp ngược của sản phẩm và nhu cầu. Đó là “sai lệch lớn trong kỳ vọng của các DN BĐS” - khi việc đầu cơ luôn tồn tại cùng với tư duy “giá BĐS chỉ có thể tăng chứ không giảm” khiến giá BĐS ở Việt Nam luôn cao nhất thế giới, trong khi thu nhập của người Việt Nam thuộc vào nhóm thấp nhất thế giới. 


Với quy mô nợ xấu trong khu vực BĐS hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho rằng: “Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả muốn (cứu)”. Và Nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu, vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức làm cho các DN tiếp tục kinh doanh liều mạng vì “lãi bỏ túi, lỗ đã có Nhà nước lo”, tạo ra các cuộc khủng hoảng do nợ xấu trong tương lai.


Bên cạnh về rủi ro lạm phát có thể quay trở lại, nền kinh tế 2013 còn phải đối diện với rủi ro về nguồn tài chính “vốn đã khan hiếm” nhưng “có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích DN sân sau, thân quen.


Đối với việc phá băng bất động sản, Ủy ban Kinh tế đặt ra câu hỏi “Tiền dùng để cứu BĐS lấy từ nguồn nào” và “Làm thế nào để kiểm soát dòng tiền không chảy vào nhóm lợi ích, DN sân sau, thân quen?”. Việc trả lời được các câu hỏi này sẽ làm cho người dân, nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách. Thực tế hiện nay, việc hâm nóng hay phá băng BĐS cần sự minh bạch trong việc rót tiền cứu trợ DN. 

- Theo Lao Động

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất