Trung Quốc: Khi nào bất động sản sẽ ‘ly hôn’ với nền kinh tế?

12/03/2013 09:52:00 Lượt xem: 34
Phải chăng nền kinh tế Trung Quốc đang bước đến cái gọi là “thời điểm Minsky”, mô phỏng về những món vay ngắn hạn rất khó có khả năng được các chính quyền địa phương thanh toán cho ngân hàng trung ương?

 
Hỗn loạn xã hội?


Tình hình xã hội Trung Quốc đang trở nên ‘hỗn loạn’ khi tỷ lệ các cặp vợ chồng xúc tiến ly hôn tăng đột biến. Một tình trạng ‘vỡ trận’ về mối quan hệ hôn nhân chăng ? Không hẳn như vậy.


Sự tan vỡ gây nhiều nghi ngờ trên đã xảy ra sau khi nhà nước Trung Quốc tung ra một đạo luật mới đánh thuế 20% trên số lợi nhuận thu được khi bán nhà đất. Tuy vậy, một lỗ hổng trong đạo luật này đã được dân chúng khai thác nhanh chóng. Đó là một quy định cho phép các cặp vợ chồng sở hữu hai ngôi nhà và mỗi ngôi nhà do một người đứng tên sau khi ly dị sẽ được miễn khoản thuế 20% sau khi bán nhà.


Hài hước không kém chuyện tự nguyện ly dị, một số cặp vợ chồng đã bày tỏ ý nguyện sẽ tái hôn ngay sau khi được miễn thuế. Trong khi đó, các quan chức hành chính lại tỏ ra bất lực vì động cơ quá lộ liễu như thế. Vẫn biết đạo luật mới được ban bố là nhằm hạn chế sức nóng của thị trường nhà ở tại ít nhất bảy chục thành phố lớn nhất trên toàn quốc, nhưng điều mà các cơ quan quản lý nhà nước không ngờ tới là người dân của họ lại sẵn lòng chia tay nhau dễ dàng đến thế.


Từ giữa năm 2012, giá nhà đất tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã âm thầm tăng trở lại. Cho đến cuối năm ngoái, thậm chí một số khu vực như Quảng Châu, Quảng Đông còn được ghi nhận chỉ số bất động sản tăng khá mạnh, khiến cho giá nhà ở đạt đỉnh trong 5 năm qua.


Cơn điên quá khứ


Từ cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2009, các chuyên gia của Mỹ đã bắt đầu lo ngại về hình dạng một quả bong bóng trong thị trường BĐS Trung Quốc lộ ra. Người ta căn cứ vào những quy luật vận động của các thị trường BĐS của phương Tây để đưa ra những cảnh báo khi tốc độ tăng giá nhà đất của Trung Quốc đã gấp rưỡi so với đáy khủng hoảng. Tuy nhiên thời gian đã chứng minh sự lo lắng quá sớm như thế đã trở nên hão huyền, bởi Trung Quốc không phải là Mỹ; và cũng chẳng hề tương ứng với quy luật phục hồi luôn ở mức độ khiêm tốn của giá nhà ở London hay Paris, BĐS Trung Quốc có đặc thù riêng trong diễn biến vận động của nó.


Một lý do khá dễ hiểu của mặt bằng giá nhà đất Trung Quốc là vẫn có những nhóm lợi ích tiềm tàng không muốn chỉ số giá địa ốc bị sụt giảm mạnh. Đó là các ngân hàng thương mại – nơi giữ cửa các món vay khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, và chính quyền các địa phương – những nơi có không khí tăng giá nhà đất nóng sốt. Tất cả đều liên quan đến nguồn thu thường xuyên, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, của các tổ chức và cá nhân. Với lý do đó, điều đương nhiên là đã khó có một cuộc đổ vỡ ngay lập tức của bong bóng BĐS ở Trung Quốc, mặc dù quả bong bóng này đã được định dạng từ lâu nay. Nguồn tín dụng tiếp tục chảy vào một số doanh nghiệp BĐS, dù có khắt khe hơn trước.


Vào cuối năm 2011, tưởng như “Cơn điên nhà đất” đã thật sự chấm dứt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trạng thái hoang tưởng này vẫn tiếp diễn dai dẳng. Bong bóng BĐS ở Trung Quốc phình to nhưng chưa nổ ngay, mà vẫn giữ nguyên độ căng của nó như một sự tra tấn với người dân. Tuy nhiên nạn nhân tiếp theo lại chính là các doanh nghiệp nhà đất. Tại 70 thành phố dẫn đầu tại Trung Quốc về tốc độ tăng giá nhà đất trong giai đoạn 2009-2010, lượng nhà tồn kho hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.


Phải chăng nền kinh tế Trung Quốc đang bước đến cái gọi là “thời điểm Minsky”, mô phỏng về những món vay ngắn hạn rất khó có khả năng được các chính quyền địa phương thanh toán cho ngân hàng trung ương?


Những ước đoán của giới phân tích phương Tây cho thấy lượng đầu tư cố định (phương tiện sản xuất và BĐS) chiếm đến gần phân nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Trong đó, BĐS có thể chiếm tới 30% GDP hoặc hơn, cho dù chính phủ Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này chưa bao giờ thừa nhận tỷ lệ đó vượt quá 10%.


Nhưng không thể phủ nhận là “Cơn điên nhà đất”, diễn ra trong hai năm 2009-2010, đã trở thành mầm mống gây ung thư cấp tính đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.


Khi nào nổ bong bóng?


Chỉ trong trường hợp đặc biệt, nếu nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, những người chưa có nhà ở mới có được hy vọng chứng kiến độ sụt giảm đến 70% giá địa ốc so với vùng đỉnh của nó.


Tình hình đóng băng nhà đất kéo dài từ giữa 2011 đến giữa 2012 càng khiến cho mục tiêu trả nợ của các chính quyền địa phương trở nên vô vọng. Theo công bố của Ngân hàng trung ương, số nợ này vào khoảng 1.650 tỷ USD, chiếm 27% GDP. Tuy nhiên hãng xếp hạng tín dụng Moody’s lại nghi ngờ tính xác thực của con số thống kê chính thức của Trung Quốc và đánh giá con số đó phải là 2.200 tỷ USD, chiếm đến 36% tổng sản phẩm quốc nội.


Cho đến nay, giá nhà ở Bắc kinh vẫn vượt đến 8 lần so với năm 2006 – quá xa vời cho ước mơ sở hữu một căn nhà riêng của giới làm công ăn lương. Trong khi có đến 50% số người giàu với tài sản từ 10 triệu USD trở lên đang nhấp nhổm tìm đường ra nước ngoài sinh sống, thì hố phân cách xã hội tại đất nước này đang khiến sinh ra tâm lý người nghèo thù ghét giai tầng thượng lưu.


Cũng cần nhắc lại, vào quý 1/2011, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Nouriel Roubini, cũng là người đã từng dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đã nêu ra một nhận định rất đáng lưu tâm: Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư ồ ạt cho đến khi sụp đổ hoàn toàn. Theo Roubini, thời điểm cho sự sụp đổ như thế có thể xảy ra vào năm 2013.


Hãy chờ xem.

- Theo Sống Mới Online

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất