“Cần nghĩ rộng và dài hơn”

02/01/2013 02:46:00 Lượt xem: 3
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT trả lời Pháp Luật TP.HCM: Năm 2013, TP không đầu tư dàn trải các công trình. Dự án nào được khởi công thì phải làm quyết liệt.


“Làm công trình nhằm phục vụ người dân chứ không phải để lấy điểm hoặc ghi dấu ấn” - ông Tất Thành Cang (ảnh), Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhấn mạnh khi trao đổi với chúng tôi vào rạng sáng 27-12-2012, ngay trên công trường lao lắp nhịp cuối cùng của cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh.


Làm tiếp nhiều cầu vượt bằng thép


Sau hai tháng nắm Sở GTVT, ông có thể thông tin một số nét về tình hình giao thông TP trong năm 2012 ?


Phải nói là phấn khởi. Cả năm chỉ xảy ra 3-4 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, trong khi các năm trước là khoảng 30 vụ. Tại các quận nội đô chỉ có một vụ ùn tắc, trong khi năm 2011 là tám vụ. Lưu thông ở các tuyến cửa ngõ phía Đông, phía Tây, Tây-Bắc cũng thông thoáng hơn.


Có được kết quả trên là do trong năm qua TP đã khai thác hiệu quả các công trình giao thông quan trọng như trục liên hoàn Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống (tên cũ là liên tỉnh lộ 25), cầu Rạch Chiếc mới, mở rộng xa lộ Hà Nội… Cạnh đó, ngành giao thông còn áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật ít tốn kém, không phải giải tỏa nhà dân như cải tạo góc hình học các giao lộ, phân luồng, trộn làn xe, đặt dải phân cách. Nhờ đó tốc độ lưu thông trên nhiều tuyến đường, khu vực được nâng cao nhưng tai nạn thì giảm hẳn.


Vậy còn những giải pháp dài hơi thì sao?


Muốn có những công trình phù hợp trước mắt và tương lai, chúng ta cần nghĩ rộng và dài hơn. Thì đấy (chỉ tay lên dàn dầm thép của cầu vượt vòng xoay Hàng Xanh), những cây cầu vượt kiểu mới như thế này sẽ là giải pháp nhanh, bền vững nhưng ít tốn kém. Năm 2013 và những năm tới, TP sẽ làm tiếp hơn 10 cầu vượt bằng thép khác tại các giao lộ thường ùn tắc.

Nút giao thông Cát Lái thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 25B và xa lộ Hà Nội.


Có một thực tế là tình trạng ùn ứ đang có xu hướng chuyển ra các tuyến đường cửa ngõ…


Đúng là đã xuất hiện tình hình đó. Cho nên sau khi làm xong cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức, Sở GTVT không chỉ nghĩ đến làm tiếp cầu thép thứ hai chạy song song mà còn tính tới việc triển khai hầm chui theo hướng Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân. Khi đó ngã tư Thủ Đức trở thành nút giao ba tầng, tình trạng ùn tắc lâu nay sẽ được giải quyết căn bản.


Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ GTVT và làm việc với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để mở rộng tiếp xa lộ Hà Nội đến cầu Đồng Nai, ngã ba Vũng Tàu. Từ nay đến năm 2014, TP cũng phải làm cho xong tuyến vành đai phía Đông (vành đai 2) để kết nối, thông suốt từ đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Phú Mỹ đến ngã tư Bình Thái.


Không đầu tư dàn trải


Còn ở các hướng khác như phía Tây, phía Nam TP… thì sao?


Trong năm 2013 phải hoàn thành cải tạo, mở rộng tỉnh lộ 10 (tên mới là đường Trần Văn Giàu) để sớm kết nối khu vực phía Tây TP với các khu công nghiệp, dân cư của huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An. Ở hướng quận 7, huyện Nhà Bè, chúng tôi đang tìm nguồn vốn để làm đường kết nối từ cầu Bà Chim về cụm khu công nghiệp - cảng biển Hiệp Phước.


Với khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp tới sẽ khởi công bốn tuyến đường trục chính để sớm kết nối vào đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. TP cũng đã xem xét xong phương án thi công, tổ chức phân luồng trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh để đến giữa năm 2013 sẽ khởi công cầu Thủ Thiêm 2.


Như thông tin của ông thì năm 2013 có rất nhiều công trình giao thông của TP được xây dựng. Như thế liệu có dàn trải?


Phương châm của TP và Sở GTVT là không đầu tư dàn trải. Các công trình nêu trên đã được chọn lựa kỹ càng nên khi khởi công thì phải làm quyết liệt. Các công trình đã làm từ vài ba năm trước cũng phải dứt điểm trong năm 2013, không để dây dưa nữa (ví dụ như đường Trần Văn Giàu).


Vấn đề lớn đặt ra cho Sở GTVT trong năm 2013 và các năm tới là giữa các công trình phải có sự đồng bộ, sao cho khi xong công trình này thì khai thác được ngay các công trình liên quan. Ví dụ như khi xong con đường từ cầu Bà Chim xuống cảng Hiệp Phước thì cùng lúc phải nạo vét xong luồng sông Soài Rạp để khai thác có hiệu quả cụm cảng biển - khu công nghiệp - khu dân cư Hiệp Phước.


Dấu ấn trong lòng dân


Năm 2012, TP đã hoàn thành việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cặp đường mới Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là công trình ghi dấu ấn của nhiều thế hệ lãnh đạo TP và Sở GTVT. Vậy ông có nghĩ mình sẽ làm một công trình nào nhằm để lại dấu ấn không?


Về kênh rạch thì năm nay chúng tôi tiếp tục nạo vét, cải tạo kênh Lò Gốm. Các kênh Tẻ, Tàu Hũ sau khi đã chỉnh trang xong phía bên bờ giáp đại lộ Võ Văn Kiệt cũng được cải tạo tiếp bờ phía bên quận 8. Tới đây cũng phải cải tạo, làm thông thoáng hai bên bờ kênh Đôi dọc theo quận 4 và 7. Đó là những công trình đã nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị của TP, nay thời điểm đến thì phải làm thôi. Tôi không hề có ý nghĩ phải làm công trình để lấy điểm hoặc ghi dấu ấn. Dấu ấn không nằm ở công trình mình chọn mà nằm ở sự đánh giá của người dân!

- Theo Pháp Luật TP.HCM

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất