Bảo đảm lợi ích của ”ba nhà”

01/01/2013 11:15:16 Lượt xem: 3

Con số được công bố sau hai tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Trong gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự luật này, có tới gần 2 triệu ý kiến liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Con số này cho thấy mức độ quan tâm của người dân và cũng phản ánh mức độ ảnh hưởng của vấn đề này đến đời sống như thế nào.

Chẳng cần nhắc thì có lẽ nhiều người đã biết một trong những nguyên nhân làm phát sinh các khiếu kiện phức tạp có liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường. Phần lớn người dân cho rằng, giá bồi thường đất không thỏa đáng, người dân mất tư liệu sản xuất trong khi mảnh đất ấy chỉ để phục vụ một dự án kinh tế khác…

Có thể thấy, việc đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân là cần thiết để hoàn thiện chính sách đặc biệt quan trọng này. Song cũng nhất thiết phải xem trọng, đánh giá đúng để tiếp thu hiệu quả ý kiến của nhân dân. Trong lúc việc thu hồi đất đang là vấn đề nóng ở nhiều lúc, nhiều nơi thì việc dự thảo sửa đổi "chạm" tới những chỗ cần điều chỉnh sẽ góp phần giải quyết được vướng mắc tồn tại bấy lâu.

Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quyền sở hữu và thống nhất quản lý. Nhưng khi được giao đất, đó lại là tư liệu sản xuất, là "tài sản" lớn của người dân nên không thể tùy tiện thu hồi, chuyển lợi ích kinh tế từ đất của nhóm người này sang nhóm người khác. Vì thế, ngoài nhu cầu quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng thì nếu muốn thu hồi đất của dân phục vụ các dự án kinh tế cần phải có cơ chế đồng thuận trong việc tự nhận chuyển quyền sử dụng đất, tạo cơ chế để người dân tham gia chủ động trong quá trình thu hồi đất. Thông thường, chủ đầu tư vì đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết sẽ dẫn đến việc bồi thường không thỏa đáng cho người bị thu hồi đất, vì vậy cần thiết tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất…

Nói chung, để hài hòa lợi ích của Nhà nước, các chủ đầu tư cũng như người dân trong vấn đề đất đai thì cần có quan điểm tích cực về việc thu hồi đất. Nên chăng càng hạn chế quyền thu hồi đất của cơ quan hành pháp ở mức thấp nhất càng tốt, nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền lực để thu hồi đất, chuyển lợi ích từ người dân sang nhóm có quyền lực kinh tế. Trong trường hợp cần phải lấy đất thì nên nhìn nhận như là trưng mua của dân, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người dân đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các thỏa thuận dân sự…

Hai triệu ý kiến đóng góp cho một vấn đề của một dự luật chắc chắn không phải là con số nhỏ. Đó không chỉ là tâm huyết mà còn là tấm gương phản chiếu thực tế của đời sống xã hội hiện nay. Mong rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ có những điều chỉnh có thể giải quyết được những vướng mắc đang gặp phải trong thực tiễn.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất