Hội chứng nhà ở xã hội

01/01/2013 09:42:13 Lượt xem: 3

Sau khi Chính phủ ban hành một số chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), mà gói cứu trợ 30 nghìn tỷ đồng đang là niềm hy vọng để thị trường BĐS sớm được ấm lên, thì các DN kinh doanh BĐS đã rầm rộ vội tìm mọi cách để chuyển sang phát triển loại nhà ở này. Thế nhưng, mọi việc không hề đơn giản.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 56 dự án NƠXH với 156 nghìn căn hộ, nhưng mới chỉ có 27 dự án đã hoàn thành và 56 nghìn căn là có người ở. Riêng Hà Nội hiện còn 10 nghìn căn hộ đang… ế vì không có người mua.

Theo Luật Nhà ở 2005, thì NƠXH là loại nhà chỉ được thuê mua và cho thuê với cả hai đối tượng đầu tư xây dựng là Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Có nghĩa là người sử dụng không có quyền đứng tên sở hữu căn hộ mình được thuê ở. Quyền đó thuộc Cty mua bán nhà của Nhà nước. Cũng theo Điều 47 của Luật Nhà ở, NƠXH xây dựng trong đô thị đặc biệt có thiết kế từ 5 - 6 tầng, tại các đô thị khác không quá 6 tầng. Diện tích căn hộ không quá 60m2 và không nhỏ hơn 30m2. Trong khi đó gói hỗ trợ của Chính phủ dành ưu đãi cho người mua căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70m2 và với giá dưới 15 triệu đ/m2, chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại cao tầng. Như vậy, không thể nói gói cứu trợ của Chính phủ là để cho NƠXH. Còn thực tế, cho dù diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đ/m2 thì người thu nhập thấp và trung bình cũng không thể mua được. Việc các DN ồ ạt chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang NƠXH để được hưởng các ưu đãi của Chính phủ đang trở thành một hội chứng, là có sự nhầm lẫn khái niệm về nhà ở thu nhập thấp và NƠXH. Sự lập lờ này nếu không tỉnh táo, sẽ lại gây ra một thảm họa nữa cho thị trường BĐS. Thị trường BĐS hiện nay đã rất rối rắm và phức tạp, ngày càng bộc lộ rõ tính không chuyên nghiệp và minh bạch của nó.

Nhà ở là loại hàng hóa đặc biệt, được sản xuất ra với vốn đầu tư lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, và cho nhiều đối tượng có nhu cầu về chỗ ở với khả năng kinh tế khác nhau. Chiến lược phát triển nhà ở đã đưa ra những mục tiêu tốt đẹp về nhà ở cho nhân dân, nhưng lại thiếu điều tra xã hội về thu nhập, khả năng kinh tế của từng đối tượng trong xã hội. Vì thế, các nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, chung cư cao cấp tràn lan, còn nhà ở cho người thu nhập thấp lại không được quan tâm đúng mức. Khi thị trường BĐS phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, thì sân chơi này một thời gian dài bị giới đầu cơ, buôn bán BĐS mà ta quen gọi là nhà đầu tư thứ cấp thao túng, mua đi bán lại, đẩy giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực. Người lao động có nhu cầu về chỗ ở hoàn toàn bị loại khỏi thị trường này. Điều đó đã gây tác động xấu trong xã hội, làm giàu bất chính cho một nhóm người, làm mất lòng tin của nhân dân.

Hiện trạng thị trường BĐS hôm nay là cái giá phải trả cho cách quản lý điều hành vĩ mô và thói làm ăn chụp giật, bất chấp hậu quả vì lợi nhuận của một nhóm người kinh doanh BĐS. Việc hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết, nhưng không phải là cái phao để cứu sống thị trường đang chết chìm này. Ngay từ bây giờ, hơn ai hết, các DN BĐS phải tự cứu lấy mình bằng cách giảm giá bán thật nhanh để đẩy hàng tồn kho, và thoát khỏi cái thòng lọng lãi suất đang thít dần vào cổ, thay vì ngày ngày đi đánh “golf” rồi kêu ca chờ giải cứu của Chính phủ!

KTS Phạm Thanh Tùng
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất