Sẽ có cơ chế để DN tham gia phát triển nhà ở xã hội

01/01/2013 13:51:51 Lượt xem: 3

Nhà nước có cơ chế vừa khuyến khích, vừa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp sử dụng lao động trong các khu công nghiệp có trách nhiệm tham gia phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ chế để các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội… Đó là nội dung được Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiết lộ trong cuộc trò chuyện đầu năm mới với phóng viên CAND.

Nhà nước có cơ chế vừa khuyến khích, vừa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp sử dụng lao động trong các khu công nghiệp có trách nhiệm tham gia phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ chế để các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội… Đó là nội dung được Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiết lộ trong cuộc trò chuyện đầu năm mới với phóng viên CAND.

- Thưa Bộ trưởng, cách đây một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2127 phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vậy kết quả bước đầu của việc triển khai chiến lược này ra sao?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, đã chủ động, tích cực triển khai nhiều phần việc. Theo đó, Nhà nước chủ động phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội để cho thuê giá rẻ, đồng thời có cơ chế vừa khuyến khích, vừa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp sử dụng lao động trong các khu công nghiệp phải có trách nhiệm tham gia phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ chế để các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua và bán cho công nhân khu công nghiệp. Hiện, Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… xây dựng chương trình phối hợp hành động thực hiện chiến lược nhà ở tại các địa phương này để chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, đồng thời rút kinh nghiệm cho việc triển khai rộng rãi trên địa bàn cả nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược, chúng tôi nhận thấy phát triển nhà ở thương mại đã khó, phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cho các đối tượng có thu nhập thấp, không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường càng khó hơn, trong khi ngân sách của Nhà nước còn hạn chế. Vấn đề là phải đề ra được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động được các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời các tổ chức, cá nhân có liên quan thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chiến lược.

- Một trong những Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây đã chỉ rõ: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp”. Vậy, Bộ Xây dựng triển khai chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội với quan điểm việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt là cân đối cung cầu trên thị trường cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững về lâu dài. Muốn vậy, phải gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Từ quan điểm trên, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… có liên quan xây dựng các nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ kết hợp giữa tái cơ cấu nợ cũ và giải quyết cho vay mới để hoàn thành các dự án dở dang đã có đầu ra; có gói tín dụng dành cho người mua nhà, các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng với lãi suất cho vay bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn từ 10 – 15 năm, phần chênh lệch lãi suất sẽ được giải quyết bằng cho vay tái cấp vốn.

Cho phép thực hiện giảm 50% thuế suất VAT đối với đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% thuế VAT đầu ra đối với đầu tư, kinh doanh nhà thương mại đối với căn hộ dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng trong thời hạn từ 14 đến 24 tháng. Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán sản phẩm, các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản lớn mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ…

- Nhưng các đề xuất, chủ trương của Bộ Xây dựng có khả thi hay không lại phụ thuộc vào những cơ quan nắm “hầu bao”?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Sẽ khả thi bởi các đề xuất này cũng nhận được sự đồng thuận của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, sự hưởng ứng của các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Tại các buổi làm việc với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp do Bộ Xây dựng đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ổn định thị trường, giải quyết nợ xấu và đặc biệt để tăng nhanh diện tích nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng khó khăn về nhà ở. Các nhóm giải pháp này đã được Chính phủ thảo luận và sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề để triển khai ngay từ đầu năm 2013.

- Hiện nay, giá nhà dù đã giảm đáng kể nhưng vẫn quá cao so với thu nhập người dân. Với mức giá như vậy, việc sở hữu nhà ở của đa số người dân vẫn rất khó khăn. Ý kiến Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?

-Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng là trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân, giá nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn tăng cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Để từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở phù hợp cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, chiến lược nhà ở quốc gia đã phân định rõ hai loại thị trường nhà ở là nhà ở thị trường hàng hóa và nhà ở thị trường phi hàng hóa để có chính sách điều chỉnh cho phù hợp. Nhà nước có cơ chế, chính sách để thúc đẩy và điều tiết thị trường nhà ở hàng hóa phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế, chính sách và chủ động phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường. Nhà nước cũng sẽ có chính sách tín dụng dành cho các đối tượng có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở như tôi đã nói ở trên.

Đầu tháng 12/2012, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị quyết về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cụ thể hóa các quan điểm của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Trong đó, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và diện tích nhà ở xã hội, các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội… Với việc áp dụng các quy định này cũng như thực hiện các giải pháp thiết kế, công nghệ thi công hợp lý, sử dụng các loại nguyên vật liệu được sản xuất trong nước… thì giá bán nhà ở xã hội sẽ hạ thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân vẫn lo ngại về tình trạng lãng phí, thất thoát trong xây dựng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Vậy trong năm 2013 ngành Xây dựng có giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tình trạng lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản là một thực tế được nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân quan tâm, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tình trạng này dẫn tới chất lượng công trình bị suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, gây dư luận xấu trong xã hội. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát lãng phí.

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng với bước đột phá về tư duy quản lý, tăng cường công tác quản lý nhà nước, chuyển từ “hậu kiểm” như hiện nay sang thực hiện “tiền kiểm” ngay từ khâu thiết kế nhằm hạn chế các vi phạm dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng. Nghị định đã làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quản lý chất lượng công trình; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở Trung ương và địa phương; bổ sung quy định của pháp luật về thẩm định thiết kế… Bộ cũng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các chủ thể có hành vi vi phạm…

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng. Nhân dịp năm mới kính chúc đồng chí Bộ trưởng sức khỏe. Chúc ngành Xây dựng sang năm 2013 gặt hái được nhiều thành công hơn nữa

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất