Đó là đáng chú ý của Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Chính phủ đã ban hành ngày 06/02/2013 sắp có hiệu lực vào tháng tới nhằm tăng cường kiểm tra năng lực, hành vi của các nhà thầu.
Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trao đổi với báo chí
Tốt, xấu cũng đưa lên mạng
Theo quy định của NĐ mới này, bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký thông tin năng lực của mình. Nếu muốn tham gia hoạt động xây dựng thì nhà thầu phải đăng ký thông tin minh bạch để được kiểm soát.
“Trước đây, các nhà thầu tự do kinh doanh, tự do đăng ký hành nghề, nên không thể thẩm định được năng lực làm việc được hay không. Nhưng khi thực hiện công trình rồi chỉ có chủ đầu tư xem xét về năng lực nhà thầu. Ngay cả cá nhân làm chủ trì thiết kế cũng chỉ dựa trên sự xét duyệt qua kê khai chứ không tiến hành thẩm định. Việc này dẫn đến người làm sản phẩm xây dựng đôi khi năng lực lại không đáp ứng được yêu cầu”, Cục trưởng Hùng nói.
Theo ông Hùng hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang trên đà kiểm soát sâu sát tuy nhiên vẫn thiếu những dự liệu để kiểm soát đầy đủ và chính xác. Theo quan điểm của Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói kiểm soát năng lực nhà thầu là rất khó, vì pháp luật không quy định bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký về năng lực thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
“Việc kiểm soát này bước đầu hi vọng sẽ đạt 80% rồi dần dần tiến đến 100% thông tin năng lực nhà thầu. Bước đầu, sẽ đưa thông tin về một số nhà thầu thẩm tra thiết kế, nhà thầu kiểm định, thí nghiệm; tiếp đến nhà thầu thi côngxây dựng các dự án sử dụngvốn ngân sách, những công trình quan trọng từ cấp 3 trở lên là phải đăng ký thông tin… Trên cơ sở này, hi vọng sẽ kiểm soát thông tin chính xác hơn.”
Với hy vọng có thể minh bạch hóa phần nào về thông tin năng lực nhà thầu được quy định trong Nghị định và các thông tư hướng dẫn, ông Hùng nói: “Anh từng làm thầu thi công dở ở Đà Nẵng thì tại TP Hồ Chí Minh người ta chỉ cần bật máy tính là biết và không chọn anh nữa. Anh làm tốt thì có khích lệ, anh làm dở thì cũng nói ra cho người cùng biết”
Hết thời nhà thầu bỏ giá thấp, thi công phần dễ rồi bỏ?
Thực tế trong thời gian qua việc kiểm định năng lực nhà thầu đã thi công những công trình lớn, trọng điểm tại Việt Nam xuất hiện nhiều vụ việc bê bối.
Những tai tiếng này liên quan nhiều tới các nhà thầu đến từ Trung Quốc, khi họ bỏ giá thầu thấp tới mức các nhà thầu Việt Nam lắc đầu ngao ngán khi cho rằng làm vậy chỉ có lỗ. Tuy nhiên, các nhà thầu Trung Quốc vẫn nhảy vào làm và cuối cùng đến công đoạn thi công khó có chi phí cao nhất thì xin điều chỉnh giá thành, nếu không được thì bỏ.
Điển hình cho các tai tiếng này là nhà thầu CSCEC - Tổng Công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc với các gói thầu số 10 của Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà thầu nhận gói thầu ‘xương” nhất của dự án khi phải tiến hành nạo vét 1 triệu m3 bùn, gia cố đất và lắp đặt cừ bản ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nhằm làm sạch lòng kênh. Tuy nhiên, nhà thầu này liên tục bị nhắc nhở vì tiến độ chậm. Đến lúc cuối cùng, không còn cách nào khác, Ban quản lý dự án Nhiêu Lộc- Thị Nghè phải chấm dứt hợp đồng và chuyển gói thầu cho đơn vị khác.
Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè trước khi hoàn thành đã chứng kiến "vố đau" từ nhà thầu Trung Quốc với chiêu bỏ giá thấp, làm chây ì rồi dứt hẳn
Ngoài ra, một nhà thầu khác nhà thầu Beijing IWHR Corporation đến từ Trung Quốc với gói thầu “cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính” với tổng giá trị hợp đồng là 15,24 triệu USD và 2,64 tỉ đồng trong dự án thủy điện ĐakR’tih (TX Gia Nghĩa, Đắk Nông cũng bị Ban quản lý dự án chấm dứt hợp đồng vì lý do tương tự là chậm tiến độ, ‘cù nhầy” không đưa người vào thi công…
Về hiện tượng nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều dự án, gói thầu với chiêu thức trả giá rẻ, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu lý giải: “Sở dĩ có hiện tượng này vì một số chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất xứ của vật tư, thiết bị. Cũng vì lý do này, nhiều nhà thầu EU, Nhật Bản không thể cạnh tranh được với nhà thầu Trung Quốc”
Trở lại câu chuyện đánh giá năng lực nhà thầu trong các Thông tư hướng dẫn Nghị định 15 sắp ban hành, khi PV Dân trí đặt vấn đề việc đưa thông tin năng lực nhà thầu lên mạng chỉ áp dụng với nhà thầu nội hay bắt buộc cả nhà thầu ngoại, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình nói: “Áp dụng với tất cả nhà thầu”. Trong trường hợp nhà thầu không đăng ký thì xử lý thế nào? Ông Hùng đáp: Sẽ không cho tham gia bỏ thầu!
Theo ông Hùng trong các Thông tư hướng dẫn sắp tới cũng siết chặt hơn công tác quản lý giám sát nhà thầu không chỉ dừng lại nhắc nhở hay xử phạt hành chính mà cao nhất có thể cấm hành nghề.
“Thời gian tới phải thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó cũng tăng cường xử phạt, kể cả cấm cho nhà thầu tham gia các gói thầu và thu hồi tước chứng chỉ hành nghề”, ông Hùng nói.