Gia tăng chất và lượng cho dòng vốn FDI

10/03/2013 21:01:00 Lượt xem: 3

Năm 2012 là năm thứ 3 liên tiếp, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không đạt mục tiêu. Do đó, cần phải có thêm nhiều giải pháp gia tăng chất và lượng cho dòng vốn FDI.

Thu hút vốn FDI không đạt mục tiêu

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), năm 2012, cả nước có khoảng 1.100 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 13 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2012.


Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Mtex - Semicoductor Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 - TP Hồ Chí Minh).

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng đánh giá: Thu hút FDI năm 2012 tuy có giảm về vốn đăng ký so với năm 2011 nhưng vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý. Lượng vốn đăng ký thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của nước ta. Khu vực FDI tăng trưởng tốt về xuất khẩu, thu ngân sách tăng...

Số liệu về thu hút FDI hai tháng đầu năm 2013 cũng cho thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 44 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 408,9 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong hai tháng.
Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 3 liên tiếp, mục tiêu thu hút vốn FDI không đạt kế hoạch đề ra.

Cần môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao

Hàng loạt những vướng mắc, bất cập liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư… khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chững lại. Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài là do suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó có những nền kinh tế quan trọng như Mỹ và EU; cạnh tranh về thu hút FDI với các nước trong khu vực cũng tăng lên. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân quan trọng, đó là sự hấp thụ FDI của Việt Nam còn hạn chế.

Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Nguồn vốn FDI toàn cầu vẫn đủ cho Việt Nam thu hút vượt mức hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này với điều kiện chúng ta cần có được các giải pháp xúc tiến đầu tư thích hợp và môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao.

Theo đề xuất của ông Thắng, để cải thiện môi trường đầu tư, bên cạnh việc cải thiện về cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng… thì cần hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Về cải thiện cơ sở hạ tầng, nhiều chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém thì rất khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khi đã không thu hút được đầu tư nước ngoài thì năng lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng rất hạn chế. Do đó, để phá vỡ cái “vòng luẩn quẩn” này cần đi trước một bước, tiến hành đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thu hút FDI đặt ra hiện nay.

Một thực tế đã được ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) chỉ ra là Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác bằng giá nhân công thấp. Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam có định hướng chuyển dịch từ nền kinh tế có giá nhân công thấp sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ không muốn mang công nghệ đến Việt Nam, một khi các quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được bảo vệ.

Trong Đề án Định hướng FDI, Bộ KH & ĐT cũng đã xây dựng và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, cải cách, từ hoàn thiện khung khổ pháp luật về đầu tư, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác. Các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến đầu tư... cũng cần được sửa đổi, cải cách cho phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư... Đây là một khối lượng công việc không nhỏ và không đơn giản. Nhưng khó mấy cũng phải làm, nếu như chúng ta không muốn trở thành địa chỉ kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất