
Vậy là chẳng ai chịu thừa nhận hành động giảm giá, nếu có thực, thì đó cũng chỉ là điều tất yếu theo quy luật cung – cầu thị trường. Giá BĐS trước kia bị thổi quá cao, người mua lắm hầu như cũng chỉ tìm đến để đầu cơ. Nếu không phải vì niềm tin bán lại sẽ được giá tốt khi giá BĐS mỗi ngày cứ bị thổi lên một nấc mới thì cũng không mấy người có nhu cầu mua nhà để ở dám ném tiền vào những căn hộ thậm chí có khi chỉ tồn tại ở dạng… niềm tin.
Bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những căn hộ liền kề, biệt thự khi vẫn còn đang trong quá trình xây dựng dở dang là một quyết định rất mạo hiểm. Đặc biệt là khi bản chất người tiêu dùng Việt Nam cứ phải “sờ tận tay, day tận trán” mới cảm thấy yên lòng. Theo đại diện chủ đầu tư dự án Nam An Khánh đến nay mới hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến tiến độ bàn giao nhà là 24 tháng. Điều đó, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không được kiểm tra dự án và nhận nhà ngay trong thời điểm hiện tại mà phải chờ ít nhất 2 năm mới có nhà để ở. Trong khi đó, những lùm xùm xung quanh vụ bê bối gần đây của chủ đầu tư dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội) bị tố liên tục ép khách hàng nhận bàn giao nhà trong tình trạng nhà bị bỏ dở, chưa được hoàn thiện càng khiến người mua thêm e ngại.
Dù các dự án BĐS cao cấp trong thời gian qua đã bắt đầu có dấu hiệu giảm giá, nhưng chỉ là giảm giá so với thời điểm “sốt” của thị trường BĐS, tức là so với mức giá đã được các chủ đầu tư “thổi phồng” lên chứ chưa phải là so với giá trị thực của những dự án này. Hơn nữa, khi giảm giá, thì đồng thời chất lượng cũng bị vin theo đó mà giảm theo, dù thực chất giá BĐS hiện nay vẫn quá “chát” với một căn hộ có chất lượng. Bớt đầu tư nội thất, chia nhỏ căn hộ, đặt ở vị trí xa xôi đồng không mông quạnh, hay thậm chí có thể là ăn bớt vật tư hoặc tăng giá dịch vụ như lời Keangam từng bào chữa cho lần tăng giá khủng: Khung giá dịch vụ của nhà nước chỉ là để áp dụng cho các dự án tầm tầm, chứ không phải cho các căn hộ sang trọng!
Ccác dự án nhà cho người có thu nhập thấp chính là minh chứng rõ nét nhất cho câu chuyện chất lượng bất nháo hiện nay. Dù mới được đưa vào sử dụng cuối năm 2012, nhưng theo phản ánh của Vietnamnet, một số căn hộ tại khu chung cư Blue House (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã bị phàn nàn vì bong tróc tường, gạch nền, thấm nước và hư hỏng cửa.
Ngay cả những khu nhà ở đóng mác “cao cấp” tình cảnh cũng không khá gì hơn. Người dân khu đô thị Keangnam (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Thời điểm mới bàn giao nhà, hai tháng máy ngoài cùng bị hỏng, không sử dụng được trong vòng 2 tháng là do sự cố rò rỉ nước. Sự việc tương tự lặp lại vào tháng 6/2011 và tháng 4/2012. Rồi chỉ ít lâu sau đó, giải thích cho sự cố mất điện khiến 6 người dân bị "nhốt" trong thang máy, 2 em nhỏ ngất xỉu lại chỉ là tờ văn bản với hàng loạt lời giải thích đậm mùi kỹ thuật không ai hiểu gì, trong khi lại né tránh câu hỏi về công tác cứu hộ. Ciputra, một trong các khu đô thị được coi là cao cấp nhất Hà Nội, cũng từng bị anh Nguyễn Quang Hoài - một khách hàng - khiếu nại tường mốc, nứt nẻ, gạch lát loang lổ, mất hoa văn do kém chất lượng. Hay người dân chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) từng phản ánh hệ thống nước nóng lạnh hay bị trục trặc. Theo báo Vietnamnet trích lời ông Nguyễn Xuân Hoàng, đại diện công ty xây dựng, do chưa có quy định rõ ràng thế nào là chung cư cao cấp và thấp cấp nên mới chủ đầu tư mới có thể nhập nhèm như vậy.
Có những ý kiến cho rằng kỳ vọng căn hộ trung cấp giảm giá còn 10 triệu đồng/m2 là không thể vì chi phí đầu vào đã hơn mức đó. Nhưng đó là câu chuyện của nhà sản xuất, lỗ lãi là chuyện hết sức bình thường trong giới kinh doanh. Họ không thể tìm cách giảm chi phí, tung ra các sản phẩm chất lượng mà giá vẫn đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì đó là vấn đề bên phía cung. Không bán được hàng thì phải chấp nhận thua lỗ, thanh lý, giảm giá, khuyến mãi… chứ không phải ngồi chờ gói 30.000 tỷ lần thứ nhất, 30.000 tỷ lần thứ hai… những mong Chính phủ và tiền thuế của người dân “tháo lỗ” cho.
Chung cư cao cấp, hay chung cư cho người có thu nhập thấp, trung bình, cũng chỉ là cách gọi khác của các khu tập thể xưa cũ được tráng thêm lớp vỏ hào hoáng của thời hiện đại. Qua những lần khủng hoảng như thế này, sức mạnh “quyền không mua” của người tiêu dùng càng được bộc lộ rõ thì thị trường càng có cơ để quay về giá trị thực của nó.