Năm 2005, Tỉnh Quảng Ngãi giao Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Thiên Tân khảo sát tại Khu kinh tế Dung Quất tìm địa điểm phù hợp xây dựng khu nhà ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư. Công ty đã chọn khu đất đắc địa rộng 22 ha ở trên quả đồi cao, không gian mở về hướng biển giữa đô thị mới Vạn Tường.
Cổng vào khu biệt thự Thiên Tân ở khu đô thị mớ Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Trí Tín.
Đến tháng 7/2006, 72 biệt thự, cùng 160 phòng đơn lập và hai khu dịch vụ gồm hồ bơi, sân tennis, siêu thị mini hoàn thành với tổng vốn 100 tỷ đồng (tương đương hơn 5 triệu USD).
Đây cũng là lúc cao điểm có gần 900 chuyên gia, kỹ sư từ 29 quốc gia trên thế giới đến Quảng Ngãi xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khu biệt thự Thiên Tân bỗng chốc trở thành "mái nhà chung" cho nguồn nhân lực Tổ hợp nhà thầu Technip. Đến tháng 6/2010, kết thúc dự án, các chuyên gia, kỹ sư lần lượt về nước, nơi đây rơi vào tình cảnh hoang vắng cho mãi đến nay.
Sau khi các chuyên gia, kỹ sư của Tổ hợp nhà thầu Technip rút đi, một số nhà thầu tham gia bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất đến từ Hàn Quốc, nhà đầu tư dự án thép Quảng Liên (Đài Loan), Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất đặt vấn đề thuê khu biệt thự thế nhưng sau đó đổi ý.
"Từ giữa năm 2010 đến nay, trung bình mỗi tháng công ty chi phí khoảng 70 triệu đồng để trả lương cho công nhân chăm sóc cây, cảnh quan, bảo dưỡng khu biệt thự. Dự án mới hoàn vốn, chưa sinh lãi thì rơi vào tình trạng trống vắng kéo dài thế này", ông Huỳnh Kim Lập, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân cho biết.
Không gian khu biệt thự nằm ở đồi cao, hướng về phía biển. Ảnh: Trí Tín.
Ông Lập hy vọng chờ đến khi cơn suy thoái đi qua, nền kinh tế phục hồi, nhà nước quan tâm đầu tư vào khu đô thị mới Vạn Tường thì khu biệt thự này lại có giá trị.
"Nhà nước cần có cơ chế đặc thù kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ công cộng nhằm tạo sức hút dân cư đến ở thì mới mong các dự án bất động sản ở khu đô thị mới Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất sống được", ông Lập đề xuất.
Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, dẫu giờ đây khu biệt thự Thiên Tân đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng trước đó doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án. Cụ thể là đã đáp ứng nhu cầu cấp bách về nơi ăn, ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư xây dựng nhà máy lọc dầu. Do vậy, tài sản trên đất hiện tại thuộc về sở hữu chủ đầu tư nên họ có trách nhiệm tìm hướng tiếp tục kinh doanh của mình khi có thời cơ trong thời gian tới.
"Ban quản lý chỉ có thể thu hồi những dự án thi công dang dở rồi bỏ hoang hoặc công trình chưa hoàn thành mục tiêu đầu tư đã phá sản. Còn những dự án bỏ hoang mà hoàn thành mục tiêu đầu tư ban đầu như khu biệt thự Thiên Tân thì khó can thiệp", ông Dũng nói.