Thực hiện đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho BĐS

15/04/2013 09:51:00 Lượt xem: 63
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang là chủ đề nóng được dư luận xã hội rất quan tâm; trong đó vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất hiện nay là những giải pháp để giải cứu thị trường bất động sản đang ngày một chìm lắng và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng Chính phủ vừa đưa ra liệu có phải là “cứu cánh” cho thị trường này.

 


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thị trường bất động sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đặc biệt là thị trường tài chính, sản xuất vật liệu xây dựng, thép, nội thất, cung ứng hạ tầng cho các khu công nghiệp tạo nền tảng Việt Nam thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì vậy, thị trường bất động sản khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất khác mà còn làm giảm thu nhập, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và làm giảm tăng trưởng chung của nền kinh tế.


“Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu làm ấm dần thị trường bất động sản nên Chính phủ đang nỗ lực đề ra hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất kinh doanh; trong đó có thị trường bất động sản, nên không cần bàn nhiều về việc có cứu hay không cứu nữa,” Bộ trưởng nói.


Về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa đưa ra để hỗ trợ cho người thu nhập thấp được mua nhà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần một hệ thống giải pháp rất đồng bộ; trong đó có giải pháp cấu trúc lại thị trường bất động sản, các giải pháp về các nguồn lực cho bất động sản, đặc biệt là về vốn nhưng đất nước ta còn nghèo nên sẽ khó khăn nếu chỉ dựa vào đây.


"Các nước phát triển có thể tung ra gói cứu trợ rất lớn để mua lại các sản phẩm bất động sản hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản, chúng ta không làm như vậy. Chúng ta cấu trúc lại sản phẩm bất động sản để khắc phục sự lệch pha về cung cầu và hướng thị trường bất động sản tới người tiêu dùng, gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện Chiến lược Quốc gia về nhà ở, trong đó một yêu cầu rất quan trọng là hướng tới nhà ở xã hội," Bộ trưởng cho biết thêm.


Vì vậy, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay một bộ phận lớn người nghèo còn đang thiếu nhà, nếu giải quyết được nhà ở cho người nghèo thì cùng lúc làm được nhiều việc, vừa tạo kích cầu cho nền kinh tế tăng trưởng, vừa tạo điều kiện cho mọi người dân đều được hưởng lợi ích


Mặt khác, với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho những người nghèo, những cán bộ viên chức, công nhân, lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp, những người khó khăn, lao động ở đô thị …vay mua nhà, thuê nhà. Nhưng không phải khi thị trường bất động sản khó khăn mới làm gói này. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một gói tín dụng nhưng chủ yếu là để tập trung hỗ trợ người nghèo.


“Trong điều kiện kinh tế khó khăn, phải tăng cầu cho nền kinh tế nên gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tuy là nhỏ nhưng rất quan trọng để hỗ trợ không thu tiền sử dụng đất đối với những dự án nhà ở xã hội, tạo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế,” Bộ trưởng chia sẻ.


Không chỉ có gói tín dụng này, sắp tới Chính phủ đang tập trung thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 2 với trên 500.000 hộ nghèo ở nông thôn được hỗ trợ để cải thiện nhà ở; có gói hỗ trợ cho 70.000 người có công, cùng đó có gói hỗ trợ 60.000 hộ nghèo ở Bắc Bộ và Duyên hải miền Trung ở những vùng thường xuyên xảy ra bão lũ cải thiện nhà ở.


Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chủ yếu dùng cho người dân vay mua thuê nhà. Cho người vay để thuê, mua nhà cũng chính là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiêp. “Để kiểm soát được gói tín dụng này đến với người dân, cần có sự phối hợp giữa các ngành như Ngân hàng, Bộ Xây dựng, chính quyền các địa phương và tôi tin rằng đây là gói tín dụng hỗ trợ thực hiện được nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội nhưng có ý nghĩa xã hội rất nhân văn nên mọi người sẽ làm nghiêm túc,” Bộ trưởng khẳng định.


Bên cạnh giải pháp về vốn, Bộ trưởng cũng đề cập tới việc phải cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, trong đó có việc chia nhỏ căn hộ để giảm giá thành. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là cấu trúc lại các dự án phát triển đô thị; trong đó có dự án phát triển nhà ở để các sản phẩm nhà ở đến được với dân và phù hợp với khả năng thanh toán của họ. Hiện các dự án đã hoàn thành cũng nhiều nhưng còn ít so với các dự án đang dở dang hoặc chưa thực hiện. Nên việc cấu trúc lại để có thể chuyển phần lớn dự án phát triển nhà ở sang các dự án nhà ở xã hội hoặc giá rẻ là mục tiêu số 1.


Bộ trưởng cũng nhận thấy việc chia nhỏ căn hộ trong các dự án đã hoàn thành là việc bất đắc dĩ và chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Hiện ở Hà Nội có 3 dự án và Thành phố Hồ Chí Minh có 2 dự án, như vậy không phải doanh nghiệp nào cũng muốn chia nhỏ căn hộ. Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo đủ các điều kiện đối với việc chia nhỏ căn hộ cũng như nghiên cứu và đề cập tới những tác động tiêu cực của nó. Chia nhỏ căn hộ không ảnh hưởng tới chất lượng đô thị vì chất lượng đô thị phụ thuộc vào chất lượng công trình, môi trường, dịch vụ, hạ tầng…


Đối với vấn đề người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết việc cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam được thể hiện trong Nghị quyết số 19 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Qua thời gian thực hiện đến nay mới có hơn 120 người nước nước ngoài được cấp quyền sở hữu nhà ở.


Theo Bộ trưởng, sở dĩ còn ít như vậy vì trong Nghị quyết yêu cầu về đối tượng cũng hạn chế, điều kiện cũng chặt chẽ, quy định loại nhà để bán cho người nước ngoài hẹp, thời hạn sử dụng không dài nên chưa khuyến khích người nước ngoài mua nhà. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân để xây dựng chính sách trình Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Trong đó, tập trung vào mở rộng đối tượng mua, điều kiện mua phải nới lỏng hơn, loại nhà tập trung vào nhà thương mại nhưng có giá trị cao và thời hạn sở hữu nhà kéo dài hơn, như vậy sẽ tạo điều kiện hơn cho người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, Việt Nam hiện cũng đang áp dụng một chính sách tương tự như ở Singapore là thu thuế từ bán nhà thương mại để trợ giá cho người mua nhà ở xã hội nên giá nhà thấp. Vì vậy, một mặt phát triển nhà ở thương mại để thỏa mãn khả năng chi trả và nhu cầu sử dụng nhà ở của người dân theo cơ chế thị trường. Mặt khác, Việt Nam cũng phát triển nhà ở xã hội gồm 8 nhóm đối tượng như trong Chiến lược Quốc gia về nhà ở đề ra mà được nhà nước hỗ trợ.


Muốn hỗ trợ được, Nhà nước phải thực hiện chính sách điều tiết thu nhập, tức là khuyến khích phát triển kinh tế theo thị trường để tăng trưởng kinh tế, thu được ngân sách lớn sau đó điều tiết lại một phần ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo. “Việc làm này thể hiện chính sách nhất quán và tính ưu việt của xã hội chúng ta trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và thu nhập bình quân đầu người còn thấp như hiện nay,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

- Theo TTXVN/Vietnam Plus

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương