Cần sự đột phá trong phát triển KCN

21/03/2013 15:29:00 Lượt xem: 17

Để các KCN vùng Duyên hải miền Trung phát triển bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, phải có sự thống nhất về kêu gọi đầu tư, tránh để xảy ra cạnh tranh bất lợi; tạo cho được sự liên kết, kết nối vùng trong phát triển các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao...

Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) trong vùng Duyên hải miền Trung có sự phát triển đáng kể cả về chất và lượng, và đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, giải quyết một lượng lớn việc làm cho người lao động…


Ảnh minh họa

Riêng tại Bình Định, một trong những địa phương có thể nói là thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 89%, cao nhất trong các tỉnh, thành thuộc khu vực này. Và là tỉnh có nhiều KCN trong vùng, với 5 KCN.

Trong đó, KCN Phú Tài và Long Mỹ đã lấp đầy 100% diện tích; KCN Nhơn Hòa đang tiếp tục triển khai xây dựng, cơ bản lấp đầy mặt bằng giai đoạn 1; KCN Cát Trinh đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư; KCN Hòa Hội đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư để tiếp tục xây dựng hạ tầng. Trong 5 năm qua, các dự án tại các KCN của địa phương đã tạo ra khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp và 40% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 22.000 lao động...

Song bên cạnh những thành quả, thì các KCN trong vùng hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần có giải pháp để tháo gỡ, nhằm tạo sự phát triển cho các KCN đóng đúng vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của các địa phương.

Qua khảo sát thực tế tại 7 tỉnh, thành khu vực Duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có đến 42 KCN đã thành lập, với tổng diện tích trên 17.800 ha. Trong đó, có 7 KCN thuộc các khu kinh tế ven biển, có diện tích quy hoạch gần 6.000 ha đang trong quá trình xây dựng và thu hút đầu tư; 24 KCN với diện tích trên 5.430 ha đã đi vào hoạt động. Hiện diện tích đất công nghiệp cho thuê tại các KCN mới lấp đầy khoảng 68%. Trong đó, tỷ lệ này tại các KCN của Bình Định khoảng 89%, Phú Yên 86% và Đà Nẵng gần 86%...

Toàn vùng Duyên hải miền Trung mới có 24/42 KCN đã đi vào hoạt động chiếm 13,33%, trên tổng số các KCN đưa vào khai thác của cả nước. Tất cả các tỉnh, thành trong vùng đều có ba loại hình phát triển công nghiệp tập trung: Các khu chức năng công nghiệp trong các khu kinh tế; KCN và các cụm công nghiệp... đã tạo nên sự cạnh tranh trong chính nội bộ, làm ảnh hưởng đến chính sách, mục tiêu quy hoạch phát triển công nghiệp và gây lãng phí nguồn lực...

Ngay cả các KCN hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, chưa thể hiện được vai trò động lực trong phát triển kinh tế địa phương. Cùng đó, các địa phương trong vùng đều có điều kiện phát triển tương tự nhau nên đã dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư các ngành nghề khá trùng lắp giữa các tỉnh, thành phố, giữa các KCN trong cùng địa phương.

Những bất cập đó dẫn đến không kết nối, không liên kết và không thể lan tỏa phát triển, điều này còn phản ánh rõ nét trong quan hệ hoạt động giữa các KCN trong vùng. Làm giảm năng lực cạnh tranh, không thể kêu gọi đầu tư hoặc kết nối hoạt động chuỗi với các DN lớn. Đây là điều đáng quan ngại, thậm chí không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn là loại ngành trong điều kiện hiện đại chủ yếu là công nghệ cao và phát triển theo nguyên tắc “chuỗi”.

Để các KCN vùng Duyên hải miền Trung phát triển bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên các tỉnh, thành phải nhìn nhận cho được cái các địa phương cần mà đang thiếu. Cái cần trước tiên là phải ưu tiên phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng không phải bằng mọi giá, mà có cơ chế ràng buộc, tránh dự án treo, lãng phí đất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách cho tất cả các địa phương.

Hơn nữa, phải có sự thống nhất về kêu gọi đầu tư, tránh để xảy ra cạnh tranh bất lợi; tạo cho được sự liên kết, kết nối vùng trong phát triển các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Trên cơ sở đó, từng bước hình thành các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao chuyên sâu, đẳng cấp cao, tạo sự lan tỏa phát triển chung cho toàn khu vực...

Một vấn đề khác, cái thiếu hiện nay tại các KCN trên địa bàn là thiếu phối hợp, phân công, điều phối trong lĩnh vực thu hút đầu tư mũi nhọn giữa các địa phương. Do đó, các địa phương cần xây dựng, thực thi chính sách và cơ chế liên kết để phát triển các KCN một cách phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững, phát huy được lợi thế đặc trưng vùng miền...

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương