Cơ hội cho bất động sản công nghiệp, Logistics tại Việt Nam

01/08/2021 17:32:44 Lượt xem: 218

Theo báo cáo của JLLaSalle vừa được công bố về ngành bất động sản công nghiệp, hậu cần (logistics) tại khu vực APAC, dự báo tại khu vực này sẽ có sự đầu tư sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3 năm đến 5 năm tới. Có thể giải thích số liệu này là việc các nhà đầu tư đang (1) tập trung gia tăng thị phần, mở rộng thì trường mạnh mẽ tại khu vực được coi là có rất nhiều tiềm năng trong tương lai. Đơn vị này dự báo khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần sẽ tăng từ 25-30 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025. Cũng theo đại diện của đơn vị này cho biết, (2) sự thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng và nhu cầu phân bổ lại vị trí đặt nhà máy của các doanh nghiệp là những lý do chính thúc đẩy các nhà đầu tư để mắt đến thị trường logistics, nhà xưởng kho bãi. Vị này cho biết, các thương vụ đầu tư mới tập trung vào các tài sản logistics có chất lượng cao, cơ cấu khách thuê chuyển dịch sang nhóm doanh nghiệp chiến lược dựa trên sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng. Ngoài những yếu tố vĩ mô thuận lợi như trên, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng đóng góp (3) dân số đông nhất thế giới và đang không ngừng tăng lên mỗi năm từ trên 40 triệu dân cũng góp phần thúc đẩy đầu tư bất động sản công nghiệp và Logistics. Trong quy mô dân số kể trên, mỗi năm cũng dự đoán sẽ có thêm khoảng trên 700 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu với thu nhập sẽ tăng trên 4% các năm, cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể đối với lĩnh vực logistics.


Nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh

Theo dữ liệu phân tích của JLL cho thấy, các quỹ logistics đã gia tăng gấp đôi tài sản được quản lý trong năm 2020 và không có dấu hiệu giảm sút trong năm nay. Trong sáu tháng đầu năm 2021, một số lượng kỷ lục các thương vụ công nghiệp và hậu cần lớn được giao dịch tại châu Á Thái Bình Dương. Nhiều quỹ đầu tư bắt đầu tái phân bổ danh mục đầu tư và tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics lên tới gần 50%. Khối lượng đầu tư dự kiến sẽ tăng mạnh ở những nơi có sẵn các kho logistic hiện đại như ở Trung Quốc, Australia và Hàn Quốc. Bên cạnh các quốc gia trên, Việt Nam của chúng ta cũng đang nổi lên như là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và qua đó có nhiều tiềm năng bứt phá đối với mảng bất động sản logistic.

Đặc biệt trong 1 năm trở lại đây khi cả thới giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. phần lớn người dân đã phải làm việc ở nhà và chuyển sang sử dụng các kênh mua sắm và làm việc trực tuyến nhiều hơn. Từ đó các nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử của nước ngoài đang nỗ lực tìm cách thâm nhập khai thác thị trường Việt Nam đang rất béo bở với hơn 90 triệu dân và hơn nửa trong số đó đang ở độ tuổi lao động, có mức tiêu thụ rất mạnh. Hiện số lượng các quỹ đầu tư tiếp cận những lĩnh vực bất động sản logistics và công nghiệp tại thị trường Việt Nam đã liên tục gia tăng trong thời gian quanhằm nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai các giải pháp công nghệ mới vào kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng. So với các nước trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, phát triển tại khu vực xa trung tâm. Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất rất lớn, thị trường logistics và bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam sẽ có chu kỳ phát triển trong thời gian tới.

Ông lớn bất động sản tại Việt Nam đã nhập cuộc.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, chủ tịch P-N-Vượng của Tập đoàn Vingroup cho biết “Hiện bất động sản công nghiệp là mảng bổ trợ nhưng trong tương lai sẽ là mảng chính của Vinhomes, mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty”. Theo chủ tịch của Vinhomes, đơn vị phụ trách bất động sản của tập đoàn Vingroup cho biết công ty sẽ chi khoảng 10.000 tỷ đồng cho mảng bất động sản công nghiệp trong vòng 2 năm.

nhà máy Vinfast

Vinhomes hiện đang quản lý và vận hành khu công nghiệp có diện tích 335 héc-ta tại Thành phố Hải Phòng. Đây cũng là nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast của tập đoàn. Với việc đưa vào hoạt động nhà máy VinFast, Vingroup đã biến khu đất trống ven biển tại đây thành một khu công nghiệp hiện đại. Cùng với việc cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam) sẽ đi vào hoạt động, VinFast là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư của Thành phố Hải Phòng. Khu công nghiệp VinFast nhanh chóng có được những lợi thế đáng kể về logistics khi giao thông được nối liền hai bên bờ biển.

(theo tin và ảnh từ vinhomes)

Tăng trưởng trong kiểm soát.

Bất kỳ loại hình đầu tư bất động sản nào thì cũng cần có sự cẩn trọng trong việc cấp phép đầu tư. Bất động sản công nghiệp cũng vậy. Nếu không được kiểm soát tốt, khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Theo một số khảo sát về bất động sản mới đây đã đưa ra đánh giá về sự tăng trưởng của thị trường bất động sản công nghiệp cho thấy mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng giá cho thuê bất động sản công nghiệp vẫn liên tục tăng. Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp mới nhất của Savills ghi nhận, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực phía Bắc tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng đạt tỷ lệ lần lượt là 90%, 95%, 89% và 73%. Còn ở khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu lần lượt là 88%, 99%, 94%, 84% và 79%. Giá thuê bất động sản công nghiệp trung bình tại những khu vực trọng điểm phía bắc và nam trong năm 2020 vào khoảng từ  4,1 USD đến 4,4 USD mỗi mét vuông hàng tháng.

Theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam thì dù chi phí thuê đất khu công nghiệp tăng nhưng Việt Nam vẫn đang cho thấy là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong các nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là lợi thế giúp Việt Nam cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, trở thành một điểm đến rất thu hút với các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên ông cũng đưa ra  cảnh báo rằng bất động sản công nghiệp Việt Nam sở hữu cơ hội lớn nhưng nếu các địa phương không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án bất động sản công nghiệp, thì khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Các doanh nghiệp xây dựng cũng chuyển đổi cơ cấu (nguồn coteccons):

Không chỉ các tập đoàn bất động sản quan tâm tới thị trường Bất động sản công nghiệp mà các công ty xây dựng cũng từng bước có sự chuyển đổi, định hướng tập trung hơn về mảng xây dựng này. Như gần đây, công ty Unicons thành viên của Tập đoàn xây dựng Coteccons đã có sự tập trung nắm bắt và đón đầu làn sóng đầu tư nhà xưởng, bất động sản khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh viện và trường học.

“Unicons tiếp tục theo đuổi phân khúc này cũng như đẩy mạnh hơn nữa vào các dự án cao tầng thi công cùng Coteccons. Trong 6 tháng đầu năm, Unicons ký hợp đồng và triển khai hàng loạt dự án lớn trên khắp ba miền như BWID - Hải Dương, ABB - Bắc Ninh, Crystal Place - Biên Hòa, Apache - Tiền Giang, khu nghỉ dưỡng Thanh Long Bay - Phan Thiết…”, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Unicons chia sẻ.

Cập nhật 5/4/2022: Các "ông lớn" địa ốc tiếp tục đổ tiền vào phân khúc.

Mới đây nhất, “ông lớn” trong lĩnh vực chứng khoán là CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cùng Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Dự án Ninh Sơn nằm trong Khu kinh tế Vân Phong với quy mô khoảng 620 ha, định hướng là một khu công nghiệp chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.

Công ty CP Đầu tư và phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đang là chủ đầu tư khá nhiều dự án lớn như Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất ở Quảng Ngãi với quy mô 1.152 ha, dự kiến khởi công năm 2023; dự án các khu công nghiệp ở Đồng Tháp với quy mô 1.000 ha dự kiến khởi công năm 2024.

Việc nhiều “ông lớn” đổ tiền vào bất động sản công nghiệp với các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp trong hiện tại và tương lai. Việc nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này trong tương lai.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương