Cộng hòa Síp vẫn ở lại khu vực đồng Euro

01/04/2013 07:49:00 Lượt xem: 11

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Cộng hòa (CH) Síp vẫn chưa vượt qua giai đoạn bế tắc, các khách hàng có tiền gửi tại Ngân hàng Síp lại phải nhận thêm một tin xấu bởi họ đang đứng trước nguy cơ mất tới 60% tiền gửi trong các tài khoản có số dư hơn 100.000 ơ-rô (khoảng 128.000USD).

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Síp, 37,5% khoản tiền tiết kiệm trong những tài khoản hơn 100.000 ơ-rô sẽ được chuyển thành cổ phiếu ngân hàng và 22,5% sẽ tạm thời được giữ lại nhằm bảo đảm rằng, ngân hàng này đáp ứng được các điều kiện tái cấu trúc vốn. 40% số tiền còn lại trong các tài khoản trên sẽ "tạm bị đóng băng" nhằm đáp ứng khả năng thanh toán đang trong tình trạng rất khó khăn hiện nay ở Síp.

Tuy nhiên, trong khoản tiền trên, ngoài việc được tính tiếp mức lãi suất như hiện nay (số lãi này sẽ được cộng dồn lại sau này), khách hàng sẽ được hưởng thêm 10% nữa. Mặc dù người gửi tiền tại Ngân hàng Síp cuối cùng có thể chuyển đổi cổ phần của họ thành tiền trở lại, song vào thời điểm này, giá trị cổ phiếu đang xuống thấp và không chắc khi nào thì giá cổ phiếu mới lên lại để bù vào khoản thiệt hại của khách hàng.

Bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Síp tại thủ đô Ni-cô-xi-a. Ảnh: AP.

Những chính sách nêu trên là một phần trong những điều kiện mà nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu Síp thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷ ơ-rô nhằm cứu hệ thống ngân hàng nước này thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Ngoài yêu cầu trên, Síp còn phải đóng cửa một số ngân hàng, cơ cấu lại các khoản nợ công, tư hữu hóa một số tài sản quốc gia, tăng thuế doanh nghiệp, đồng thời chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền và áp dụng quy chuẩn của EU về ngân hàng.

AP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Síp - Michalis Sarris  cho biết, các biện pháp trên được áp đặt nhằm cân bằng khả năng thanh toán của Ngân hàng Síp, hiện nắm giữ tới 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này. Theo ông M.Xa-rít, hiện Síp cần có một ngân hàng sẵn sàng đảm nhận vai trò cứu nguy cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Giáo sư kinh tế học Sofronis Clerides thuộc Đại học Síp, các doanh nghiệp đang gửi tiền trong hệ thống ngân hàng của Síp mới là những người phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi những quy định áp đặt cho những tài khoản có số dư hơn 100.000 ơ-rô như đã đề cập ở trên.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Sofronis Clerides, nếu như trong tương lai các doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, Síp có thể sẽ bị rơi vào một cuộc khủng hoảng thậm chí còn trầm trọng hơn nhiều so với hiện nay.

Cách đây vài ngày, Ngân hàng Trung ương Síp cũng đã đưa ra thông báo mới về kiểm soát vốn, theo đó thay đổi các hạn chế được ban bố ngày 27-3 về cấm mọi sự thanh toán và chuyển tiền nội địa quá 5000 ơ-rô mà không được nhà chức trách cho phép. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế khác như chỉ được phép rút 300 ơ-rô/ngày, cấm lĩnh tiền bằng séc và người dân khi đi nước ngoài không được phép mang theo hơn 1000 ơ-rô, vẫn còn hiệu lực.

Bất chấp những điều kiện khắt khe mà Síp phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ, Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades ngày 29-3 tuyên bố, nước này sẽ ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tổng thống icos Anastasiades thừa nhận gói cứu trợ 10 tỷ ơ-rô đã cứu quốc đảo bên bờ Địa Trung Hải này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công, nhưng cũng khẳng định Síp sẽ không rời Eurozone, “không dấn bước vào những thử nghiệm mạo hiểm có thể đe dọa tương lai của đất nước".

Chưa biết Síp sẽ còn đưa thêm những chính sách nào nhằm cứu nguy hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, tuy nhiên có thể khẳng định, những quy định áp đặt đối với các tài khoản có số dư hơn 100.000 ơ-rô mà Síp vừa đưa ra, chắc chắn sẽ khiến giới doanh nghiệp nước này tỏ ra bức xúc, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cũng đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn về tài chính.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương