Đất phía Tây sau “cơn địa chấn”

27/03/2013 15:57:00 Lượt xem: 26

Ngoài việc các dự án bất động sản được tỉnh Hoà Bình “chạy nước rút” cấp phép cho chủ đầu tư, thì các xã của huyện Lương Sơn về Hà Nội cũng là nơi “quy tụ” giới buôn bán nhỏ lẻ đất thổ cư, đất rừng, đẩy vùng quê yên bình này vào cơn sốt đất chưa từng thấy trong lịch sử mà người dân được chứng kiến…

Giá đất thời “kịch thủ”

Mấy năm trước đây, con đường liên xã vào Đông Xuân và Tiên Xuân trưng bày la liệt các tấm biển “sàn bất động sản”, “trung tâm môi giới bất động sản”. Theo người dân bản địa, có những ngày xe hơi của giới đầu cơ nối đuôi nhau lên núi, leo cả vào bản làng để tìm mua đất. Giờ  đây, xu hướng kinh doanh cũng thay đổi nhanh chóng, những tấm biển liên quan đến đất đai được thay thế bằng biển hiệu bán tạp hoá, sửa xe, đồ điện tử, gội đầu.

Những thửa đất được chia lô ở xã Đông Xuân để tìm khách, người dân tranh thủ trồng ngô để tránh lãng phí tài nguyên, hoặc trưng biển rao bán

Gần như chứng kiến từ đầu hoạt động mua bán đất tại địa phương mình, bà Bùi Thị Sen cho biết, đất đai trong thôn, trong xã “sốt” từng ngày. “Ngày đầu bán 10 triệu một sào, sau lên 20 triệu, 30 triệu, và “kịch thủ” lên đến 50 triệu/sào”, bà Sen nhớ lại giai đoạn sốt đất vào những năm 2010, 2011 tại xã Đông Xuân.

Trên các trang mạng rao bán bất động sản vãng lai, dù đất đai của mấy xã sáp nhập về Hà Nội hiện không còn ai dòm ngó, nhưng hiện vẫn còn “đọng lại” dư âm của một thời náo nhiệt của dân buôn mặt hàng đặc biệt này. Những lời rao “bán đất chính chủ” được “ắp đết” la liệt với mức giá trên trời, kiểu “đất trồng rừng 50 năm, nằm cách ngã tư đường Láng Hòa Lạc 3km, cách cầu Trung Hòa – Láng Hạ 30km, nằm tại dãy đồi đầu tiên của Hà Nội, tầm nhìn được cả Thủ đô!, giá bán 30 triệu/1 sào 360m2. Hiện có 3 mảnh từ 11 sào đến 45 sào. Rất tích hợp làm nhà “quê”, nhà vườn… Có nhu cầu xin liên hệ…”

Và nay, ngay cuối tháng 3/2013, vẫn tiếp tục có những lời mời rao bán nhưng với mức giá đã sụt giảm đến thê thảm. Nhiều nhà đầu tư sau khi mua gom đất nhưng không có “đầu ra” đã phải bán cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường khi cơn sốt nhà đất lao dốc không phanh.

Tháo chạy

Tính đến ngày 31/7/2008, chỉ cách ít tháng chính thức nhập về Hà Nội,  trên địa bàn 4 xã của huyện Lương Sơn có 54 đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó 27 đồ án đã được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt. Trong đó, 7 tháng đầu năm 2008, tỉnh Hoà Bình đã duyệt 24 đồ án. Với bốn xã nhưng có số lượng dự án lớn đến như vậy đã phần nào nói lên mức độ nóng bỏng của thị trường lúc đó.

Có thể, đó cũng là lý do nhiều người dân ở Đông Xuân, Tiến Xuân không thể nhớ nổi hàng loạt dự án nối đuôi nhau ra đời trong thời gian ngắn nằm ở vị trí nào. Hết con đường nhựa chuyển sang tuyến đường đá cấp phối, một người dân thôn Gò Chói (xã Tiến Xuân) chỉ tay ra cánh đồng mênh mông rồi “định vị”: “hình như có khu đô thị nằm ở đó!.

Những thửa đất được chia lô ở xã Đông Xuân để tìm khách, người dân tranh thủ trồng ngô để tránh lãng phí tài nguyên, hoặc trưng biển rao bán

Lão nông cho biết mình tên Hoà, sống ở Tiến Xuân từ nhỏ, nói nhà có 8 sào ruộng, vẫn biết nếu ngày xưa bán ruộng thì cũng có nhà cao cửa rộng, nhưng gia đình vẫn quyết để lại. “Hồi trước họ hỏi mua 30 triệu/sào nhưng không bán, giờ chỉ được vài triệu, bán chả bỏ”, ông Hoà, nói.

Với các dự án được duyệt, thì các thôn của Tiến Xuân có thể được xem là “thôn dự án”. Theo người dân, đất ruộng ở đâu cũng được thông báo là của dự án, nhưng sau nhiều năm nhận được thông tin mà không thấy triển khai, đến nay họ vẫn canh tác, vẫn cật lực lao động trên chính ruộng lúa của mình.

Theo bà Sen, khi biết tin có dự án mới về Đông Xuân thì cò đất “có bao nhiêu đất ruộng là mua hết”. Những người này đi mua gom của người dân sau để chờ đền bù, hoặc bán lại cho người khác lấy chênh lệnh. “Nếu bây giờ dự án của Su Gi Cô (Sudico – PV) không triển khai, nhiều người gom đất sẽ chết hết vì không ai nhảy vào”, bà Sen, chia sẻ.

Ngay mặt đường xã Đông Xuân, khi “nhập” về Hà Nội thì mỗi mét vuông được ra giá trên 20 triệu đồng. Người dân nói, có mảnh đất được bán qua tay hàng chục người, theo cách nói của người bản địa thì cứ “có được ít màu là bán”. Bây giờ, việc xác định giá chính xác vào năm 2013, những chủ đất được hỏi đều trả lời rằng “rất khó nói”, bởi “lâu lắm rồi chẳng ai hỏi mua”.

Ở Tiến Xuân, Đông Xuân, “di chứng” của giai đoạn nhà nhà buôn đất, người người buôn đất còn hiện hữu khá rõ. Dọc đường đi, nhiều ô đất được người dân quây lại, xác định ranh giới bằng những hàng gạch xây tạm bợ. Nay đất không bán được, chủ đất cũng ít dòm ngó, nhiều người bản địa tiếc của đã mượn để trồng ngô, trong những thửa đất mênh mông hàng trăm mét vuông.

“Vỡ nợ thì khối người”, bà Sen nói đó là hệ luỵ của thời suy thoái nhà đất. Và hệ luỵ rõ ràng nhất đối với người đàn bà có tên của loài hoa này, rằng “hết sốt đất, khách hàng đến cửa hàng tạp hoá của gia đình cũng giảm, giảm hẳn”.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương