Để xử lý nợ xấu cần phải dọn dẹp sân sau của ngân hàng

20/04/2013 13:56:00 Lượt xem: 35

- Không phải bây giờ những vấn đề bất cập từ việc các ông chủ ngân hàng sử dụng tiền huy động cho các doanh nghiệp sân sau của mình mới được nhắc đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện này thì vấn đề này lại được quan tâm một cách đặc biệt vì những khoản tiền cho vay thiếu kiểm soát chặt chẽ này thường có khuynh hướng đầu tư mạo hiểm và nguy cơ biến thành nợ xấu. Đây cũng là một trong những rào cản trong việc tái cấu trúc ngân hàng.

Mảng tối doanh nghiệp “sân sau” lộ diện

Sự kiện gần đây nhất liên quan đến việc ông Đặng Văn Thành và con trai ủy quyền cho HĐQT của Sacombank được quyền bán gần 80 triệu cổ phiếu với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu để thanh toán một phần các khoản vay của những công ty liên quan đến gia đình ông Thành đã gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân là do Thanh tra NHNN xác định những công ty liên quan đến gia đình ông vay tổng cộng 7.000 tỷ đồng, vượt quá quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (công ty liên quan không vay quá 25% vốn điều lệ của một ngân hàng). Vì vậy, dù các khoản nợ này chưa phải là nợ xấu nhưng ông Thành vẫn phải giảm tỷ trọng nợ tại Sacombank.

NamABank cũng cho vay đối với các công ty liên quan đến thành viên HĐQT lên đến gần 1.192 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ có 3.000 tỷ đồng (gần 40% vốn điều lệ). Còn Ngân hàng Phương Tây cũng cho các công ty liên quan đến thành viên HĐQT vay với tổng số tiền gần 1.860 tỷ đồng, chiếm hơn 60% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Trước đó, sự kiện gây chấn động dư luận là ông Nguyễn Đức Kiên –nguyên TV HĐQT ngân hàng ACB bị bắt. Thông tin sau đó cho biết ông Kiên đã vay từ ACB và một số ngân hàng mà ông là cổ đông lớn với số tiền lên đến hơn 10.000 tỷ đồng cho các công ty của mình.

Việc các cổ đông lớn, lãnh đạo của ngân hàng sử dụng tiền huy động để cho các công ty con của mình vay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân là hầu hết các khoản vay này không được kiểm soát theo quy trình cấp tín dụng để phòng ngừa rủi ro. Các khoản tiền có được một các dễ dàng thường được đầu tư một cách mạo hiểm như bất động sản, chứng khoán, vàng… Do vậy, một khi nền kinh tế suy yếu và tình hình tài chính khó khăn sẽ đẩy các khoản vay này có nguy cơ biến thành nợ xấu.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nó đã diễn ra ở rất nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… Thực tế, các nhà làm chính sách cũng thấy được nguy cơ này và đã đưa ra các quy định khắt khe trong việc tỷ lệ sở hữu cá nhân, tổ chức đối với một ngân hàng; tỷ lệ cho vay của nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không thể khắc phục được việc lạm quyền của lãnh đạo ngân hàng hay cổ đông lớn vì họ dễ dàng “lách”.

Rào cản đối với tái cấu trúc ngân hàng xử lý nợ xấu

Nguyên nhân của hiện tượng cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo của ngân hàng có thể “lộng quyền” cho vay một cách thiếu kiểm soát được chỉ ra là do tình trạng rủi ro đạo đức và bất cân xứng thông tin trên thị trường gây nên. Ngân hàng đặc biệt hấp dẫn với các “đại gia” không phải là do ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt mà chủ yếu do có thể thành nơi “tạo tiền” để thực hiện các “phi vụ” khác. Những “ông chủ” sẵn sàng bỏ qua hiệu quả hoạt động ngân hàng, những cổ đông nhỏ lẻ thậm chí cả rủi ro đối với người gửi tiền để cho các doanh nghiệp sân sau vay bất chấp rủi ro của việc sử dụng vốn cao. Việc này diễn ra trong thời gian dài, và tình trạng thu hồi vốn càng trở nên khó khăn khi bối cảnh kinh tế vĩ mô còn u ám.

Hiện tượng trên không chỉ diễn ra đối với các ngân hàng tư nhân mà ngay cả đối với các ngân hàng nhà nước. Những “ông chủ” là nhà nước thường chỉ định cho ngân hàng quốc doanh cho các doanh nghiệp nhà nước, dự án thuộc quản lý nhà nước vay vốn bỏ qua những quy trình thẩm định hiệu quả của việc sử dụng vốn. Chắc chắn nếu không có sự “bảo kê” của nhà nước và quản lý lỏng lẽo thì các doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines hay nhiều Vina… khác không thể vay đến hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng để đổ vào những dự án mà không khó để nhận ra là nó khó mang lại hiệu quả.

Tình trạng đó đã kéo dài hàng chục năm và đang để lại một hậu quả nặng nề cho nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính. Bong bóng bất động sản, thị trường chứng khoán trước đây một một phần do việc cấp tín dụng dễ dãi của ngân hàng và thiếu sự kiểm soát của nhà nước gây nên. Thực trạng nợ xấu và sự khốn khó của nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng là một điều tất yếu không thể tránh khỏi bởi hiện tượng bất cập kéo dài kể trên.

Đề án tái cấu trúc ngân hàng và đề án thành lập công ty xử lý nợ xấu đã được khởi động cách đây hơn 1 năm nhưng cho đến nay vẫn không có nhiều tiến triển. Một trong những rào cản lớn của việc tái cấu trúc ngân hàng đó chính là việc làm sao để vượt qua được lợi ích nhóm chi phối. Đối với xử lý nợ xấu thì vấn đề không chỉ ở “kỹ thuật” hay vốn mà còn có vượt qua được rào cản từ những nhóm lợi ích đầy quyền lực hay không. Chính phủ có thật sự chấp nhận mạo hiểm xử lý nợ từ những Vina… của mình hoặc ai đủ quyền lực để buộc các đại gia ngân hàng phải phơi bày sự thật về nợ xấu, mối quan hệ dích dắc giữa những doanh nghiệp sân sau…

Đó là những rào cản lớn đối với việc xử lý nợ xấu hay tái cấu trúc ngân hàng. Tuy nhiên, Chính phủ có thể dần gỡ rối bằng các biện pháp như phải tăng cường kiểm soát việc sở hữu chéo, việc cho vay doanh nghiệp sân sau, kiểm soát việc vay vốn tràn lan của các Vina…; giảm tín dụng chỉ định… Ngoài ra, Chính phủ cần phải dần minh bạch hóa bằng cách công bố số liệu thống kê một cách định kỳ, công bố thực trạng sức khỏe, hoạt động của các ngân hàng để xã hội có thể giám sát.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất