Phố cổ Hà Nội: Đợi qui hoạch cải tạo đến bao giờ?

25/01/2013 11:31:00 Lượt xem: 8

Mới đây giữa đêm khuya, ngôi nhà cổ số 119 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị sập trần. Sự kiện nhà cổ thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia xuống cấp, đe dọa tính mạng người dân sinh sống trong đó một lần nữa đặt ra một nỗi băn khoăn lớn: chủ trương bảo tồn phố cổ đã có, vậy bao giờ người dân được cải tạo theo một mẫu kiến trúc thống nhất?

Mong dự án cải tạo mặt đứng như phố Tạ Hiện
 được nhân rộng trong khu phố cổ
 
"Phớt” qui định bảo tồn phố cổ
 
Chủ nhà số 119 Hàng Bạc, bà Đỗ Thị Hiền vừa nói vừa chỉ tay lên mảng trần đã bị rơi toàn bộ phần nhựa ốp cùng gạch vữa tại gian giữa nhà là nơi chủ nhà để đồ đạc và vật dụng hằng ngày. Mảng trần này có diện tích chừng 6m2. Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi cụm nhà số 121 - 123 bên cạnh được xây mới. Theo bản vẽ xây dựng được phê duyệt, công trình này có một hầm sâu 2,3m so với mặt cắt vỉa hè để làm chỗ để xe. Kể từ khi cụm nhà này tiến hành nhồi cọc, khoan móng ở độ sâu hơn 3m, tường ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc xuất hiện các vết nứt chạy dọc căn nhà. Cùng chung nỗi lo với nhà bà Hiền, ông Lê Ngọc Tuấn (nhà số 125 Hàng Bạc) cho hay: Gia đình ông nhiều năm qua không dám sửa chữa gì, chỉ mới quét vôi ve, sơn sửa bên trong chứ không đụng đến kết cấu ngôi nhà. 
 
Gia đình bà Hiền bày tỏ nỗi bức xúc, bởi ngay sau khi cụm nhà 121- 123 khởi công xây tầng hầm, vợ chồng bà Hiền đã có đơn kiến nghị, nhưng chính quyền phường phớt lờ đề nghị này và vẫn cấp phép xây dựng cho công trình cạnh đó mà không xét tới các vấn đề về bảo tồn.  Được biết, theo điều lệ quản lý phố cổ hiện hành, chủ nhân của các ngôi nhà cổ không được phép tự ý xây dựng, cơi nới kết cấu nhà nếu chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý.
 
Theo như giải thích của UBND quận Hoàn Kiếm, trường hợp chủ đầu tư nhà 121 - 123 phố Hàng Bạc đã mua bảo hiểm cho việc đền bù nếu gây ra hư hỏng cho các công trình liền kề. Do vậy, nếu có việc hư hỏng do xây dựng gây ra, chủ đầu tư nhà 121 - 123 Hàng Bạc và cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết đền bù hư hỏng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương đồng thuận với phương án "giải quyết hậu quả” thay vì chung sức bảo tồn di sản?! Qua tìm hiểu của phóng viên thì nhiều ngôi nhà khác trong khu phố cổ Hà Nội cũng đang cần được tu sửa. Đơn cử như nhà số 47 Hàng Bạc sau vụ cháy 2010, giờ đây căn nhà cũng vẫn đang chờ được cải tạo. 
 
Vẫn chờ những qui hoạch trên giấy
 
Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2004. Tuy nhiên cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trong khu phố cổ Hà Nội đã cải tạo nhà tự phát, với mục đích cải thiện cuộc sống, hoạt động kinh doanh tốt hơn nhưng không theo mẫu kiến trúc thống nhất nào.
 
Trong tháng 12-2012, nhằm giữ gìn hồn cốt phố cổ, UBND TP Hà Nội đã có những hướng dẫn mang tính cụ thể hơn. Chẳng hạn, tại khu chỉnh trang theo quy định hiện có, với lớp ngoài sát mặt đường xây 3 tầng, lớp trong 4 tầng (16 m), nay sẽ nâng lên lớp ngoài 4 tầng, lớp trong 5 tầng. Việc nâng tầng này sẽ tạo điều kiện cho người dân mở rộng không gian sinh hoạt, kinh doanh. Cùng với đó, sau hơn 10 năm phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, BQL phố cổ Hà Nội cũng giới thiệu 6 mẫu kiến trúc đặc trưng theo phong cách nhà truyền thống Việt Nam, kiểu Trung Hoa, kiểu châu Âu và thời kỳ 1954 - 1986 để người dân căn cứ vào đó cải tạo, xây mới công trình xây dựng trong khu phố cổ Hà Nội. Được biết, hiện tại thành phố cũng đang xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội nhằm quản lý tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo, xây mới các công trình trong phố cổ góp phần gìn giữ đặc trưng kiến trúc phố cổ Hà Nội.
 
Trước đó, từ tháng 7-2012, sau gần 1 năm hoàn thành Dự án cải tạo mặt đứng, phố Tạ Hiện được xem như khuôn mẫu cho việc thực hiện các dự án cải tạo tiếp theo ở phố cổ Hà Nội. Dẫu vậy, theo KTS Nguyễn Hoàng Long - Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Dự án nói trên thì việc cải tạo một đoạn phố Tạ Hiện chưa nói được nhiều. Song qua một số đề án chỉnh trang tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, rồi tuyến phố Lãn Ông… đã cho thấy rõ hơn cái khó trong việc tu bổ, bảo tồn phố cổ đó là cơ chế quản lý, chế độ, chính sách vẫn còn khập khiễng, không đồng tốc với cơ chế thị trường. Chẳng hạn, hiện tại công tác cải tạo, tu bổ, bảo tồn phố cổ đang dựa vào "Điều lệ tạm thời quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội” (Quyết định số 45/1999/QĐ-UBND TP Hà Nội). Mà phàm cái gì "tạm thời” thì có thể hiểu là còn chưa chính thức, chính điều này đã gây cản trở quá lâu trong công tác quản lý xây dựng bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội.
 
Trong khi chờ qui chế quản lý qui hoạch chính thức, và khi mà những sự việc những ngôi nhà cổ như nhà 119 Hàng Bạc vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn, thì người dân không khỏi lo lắng về những qui hoạch… treo trên giấy. Và cũng chính vì lợi ích của người dân không gắn liền với việc bảo tồn phố cổ, nên giờ đây độ toàn tâm toàn ý của họ cho công cuộc bảo tồn di sản sống cũng đang hao vơi đi. Những ngày cuối năm, khi chúng tôi liên lạc với Ban quản lý phổ cổ để tìm hiểu về hướng giải quyết sự cố ở ngôi nhà cổ số 119 Hàng Bạc và cơ chế cải tạo nhà trong phố cổ thời gian tới, câu trả lời vẫn là: "Còn phải chờ lãnh đạo họp để cho ý kiến…”
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất