Bắc Kinh 'nhu' với xứ Kim chi, 'cương' với nước Mặt trời mọc

09/01/2013 13:06:00 Lượt xem: 20

Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc hội đàm với tân Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Kitera Masato tới 50 phút tối ngày 5/1 khi ông có chuyến thăm Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc căng thẳng trong tranh chấp biển đảo giữa 2 nước sẽ lắng dịu.

Việc Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân sẽ tới Seoul để trao đổi ý kiến về quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc về những vấn đề song phương cùng quan tâm (từ ngày 9 đến 11/1) cho thấy, Bắc Kinh muốn “hòa” với xứ sở Kim chi, trong khi quyết “cương” với đất nước Mặt trời mọc.

Nhật Bản quyết tâm bảo vệ quyền lợi biển đảo

Tại cuộc nói chuyện kéo dài 50 phút với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, Đại sứ Kitera Masato đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ khả năng nào có thể xảy ra các vụ va chạm giữa máy bay của Nhật Bản và Trung Quốc tại không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thời gian tới. Ngoài ra, ông Kitera Masato cũng đề cập tới việc cải thiện mối quan hệ Tokyo - Bắc Kinh, cũng như tìm cách giảm bớt tình hình căng thẳng song phương xung quanh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cũng trong ngày 5/1, tờ The Mainichi dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga về việc Tokyo sẵn sàng thành lập một ban cố vấn nhằm dọn đường cho việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2%, đạt mức hơn 4.700 tỉ yen (khoảng 53,4 tỉ USD) trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2013.

Nếu việc này được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng trong suốt 11 năm qua. Kyodo News coi đây là một trong những mục tiêu then chốt trong chính sách của tân Thủ tướng Shinzo Abe, bởi theo luật quốc tế, quyền phòng vệ tập thể cho phép một quốc gia tham gia phản công nếu đồng minh của mình bị tấn công.

Tàu chiến Trung Quốc hoạt động thường xuyên hơn tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Giới chuyên môn khá quan tâm tới thông tin của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản khi cho rằng: Tokyo xây dựng phương án đáp trả khi bị Trung Quốc đánh chiếm đảo. Theo bài viết cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt tay xây dựng “Chiến lược phòng vệ tổng hợp” phối hợp thống nhất giữa Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không nhằm ứng phó với tình hình mới có thể xuất hiện trong 10-20 năm tới. Nhật Bản đưa ra 3 tình huống: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị tấn công, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và 2 hòn đảo Ishigaki, Miyako bị tấn công và Đài Loan cũng bị tấn công khi những đảo trên bị đánh chiếm.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, nếu đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc sẽ sử dụng 2 tàu sân bay để răn đe, gây sức ép với Nhật Bản, đồng thời sử dụng lực lượng nhảy dù và xe chiến đấu đổ bộ tiến hành tác chiến đổ bộ. Do đảo Senkaku, Ishigaki và Miyako đều thuộc cùng chiến khu, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu khu trục lớp Lữ Châu, tàu hộ vệ lớp Giang Khải, máy bay chiến đấu J-20 phát động cuộc tấn công theo kiểu “gợn sóng”.

Được biết, để tăng cường theo dõi, giám sát bình thường đối với biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ xem xét nhập khẩu “trang bị tầng bình lưu” có thể giúp phi thuyền cỡ lớn hoạt động và máy bay do thám không người lái. Việc này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định sửa đổi “Đại cương kế hoạch phòng vệ” (sẽ bắt đầu triển khai toàn diện từ mùa hè năm 2013). Ngày 4/1, tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản đăng bài viết “Lực lượng Phòng vệ và quân Mỹ mở rộng hợp tác”, trong đó đề cập tới khả năng điều Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài.

Theo giới truyền thông, hạ tuần tháng 1/2013, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hội đàm và 2 nhà lãnh đạo sẽ cố gắng đạt được đồng thuận về việc mở rộng hợp tác giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Được biết, Tokyo đã quyết định tăng thêm 1.000 tỉ yen (ngày 3/1) cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2013 để mở rộng biên chế cho Lực lượng Phòng vệ.

Trung Quốc - Nhật Bản đều gia tăng sức mạnh hải quân

Giới bình luận cho rằng, việc Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) do Mỹ chủ đạo cũng nhằm mục đích ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng những động thái kể trên của Nhật Bản khiến Trung Quốc lo lắng, nhất là trong bối cảnh Mỹ - Nhật Bản bàn bạc hợp tác quân sự toàn diện. Được biết, trong tháng 1/2013, Tokyo và Washington sẽ bàn bạc sửa đổi Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ và định nghĩa lại vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Kim Nhất Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Đại học Quốc phòng Trung Quốc

Tờ điện tử của The Japan Times ngày 3/1 đăng bài phân tích trước việc Trung Quốc đang đẩy nhanh việc chuyển đổi tàu chiến thành tàu hải giám để thực hiện giấc mộng “cường quốc biển”, khống chế những vùng biển đang có tranh chấp với các nước láng giềng. Do đó, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản làm nhiệm vụ giám sát vùng biển tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và phụ cận trở nên quá sức. Được biết, Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản sẽ yêu cầu tăng thêm 150 nhân viên trong năm tài chính 2013 và có kế hoạch sử dụng nguồn vốn dự trữ để đóng thêm 4 tàu tuần tra.

Hiện Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản dự định sử dụng 10 tàu tuần tra đã quá niên hạn phục vụ và khi có tàu mới chúng sẽ bị thải. Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản muốn sử dụng những khu trục hạm dự trữ của hải quân, nhưng do việc điều động khu trục hạm cần có căn cứ pháp luật mới nên ý định này đã phải từ bỏ.

Theo Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, hiện Bắc Kinh có khoảng 300 tàu hải giám trong khi Nhật Bản duy trì 500 tàu tuần tra của cảnh sát biển. Tokyo đang có 70 máy bay giám sát biển đảo hoạt động trong khi Trung Quốc có 10 chiếc.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, đã có tổng cộng 13 tàu mới đóng được đưa vào biên chế của lực lượng Hải giám Trung Quốc và theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, lực lượng Hải giám Trung Quốc sẽ có thêm 36 con tàu các cỡ 600, 1.000 và 1.500 tấn vào trước năm 2015.

Giới truyền thông cho biết, theo kết quả điều tra mới đây cho thấy, có tới 80% người dân Nhật Bản không có thiện cảm với Trung Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn coi quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc là vấn đề quan trọng lớn nhất trong ngoại giao và chính sách an ninh của Nhật Bản thế kỷ XXI, đồng thời đề xuất phải tăng cường hợp tác với các nước có liên quan.

Vai trò của các nước hữu quan

Theo tờ Japan Times, tân Ngoại trưởng Nhật bản Fumio Kishida đã quyết định tới Philippines trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao. Chuyến công du của ông Fumio Kishida có thể bắt đầu hôm 8/1 và tân Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ thảo luận với người đồng cấp Philippines Alberto del Rosario về hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải trên Biển Đông, thảo luận về việc tăng cường một mạng lưới các nước trong khu vực cùng kêu gọi về việc chấp hành các quy tắc luật pháp quốc tế trên Biển Đông và những vấn đề song phương đều quan tâm.

Giới bình luận cho rằng, Nhật Bản muốn phối hợp với Philippines để chống lại âm mưu độc bá Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.

Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida

Giới chuyên môn đang thực sự quan tâm tới thông tin được tờ Inquirer Philippines đăng tải hôm 7/1: Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh vừa đưa ra một đề nghị: Bắc Kinh và Manila nên cùng nhau khai thác dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rong (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Theo bà Mã Khắc Khanh, Philippines và Trung Quốc nên cho phép Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Năng lượng Philippines của 2 doanh nhân Mahuel V.Pangilinan và Enrique Razon Jr tham gia một thỏa thuận thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rong có trữ lượng khoảng 3,4 nghìn tỉ m3 khí và 440 triệu thùng dầu, lớn hơn trữ lượng mỏ khí Malampaya ở vịnh Palawan.

Theo bà Mã Khắc Khanh, nếu Philippines hợp với Trung Quốc thăm dò khai thác tại Bãi Cỏ Rong là hoàn toàn hợp lệ, cho dù khu vực này đang có “vấn đề” là điều khiến dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm, chú ý. Tuy Chủ tịch Tập đoàn Philex Mining Pangilinan đồng tình với quan điểm của bà Mã Khắc Khanh, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng: Ông phải đối mặt với thực tế chính trị khi xem xét hợp tác tại Bãi Cỏ Rong.

Ngày 4/1, đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Fukushiro Nukaga, cựu Bộ trưởng Tài chính, từng là Tổng thư ký Hội nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Hàn Quốc đã đến Hàn Quốc tiếp kiến và trình thư lên Tổng thống tương lai của nước này, bà Park Geun-hye, nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương. Sau khi xem thư của Thủ tướng Shinzo Abe, bà Park Geun-hye đã chấp nhận lời mời đến thăm Nhật Bản trong thời gian sớm nhất.

Trong khi ông Shinzo Abe coi Hàn Quốc là láng giềng quan trọng nhất của Nhật Bản, bà Park Geun-hye đã đáp lại với mong muốn tái lập quan hệ hòa giải và hợp tác giữa Seoul và Tokyo, đồng thời khẳng định hai nước cần xây dựng lòng tin và cần nhìn thẳng vào lịch sử. Giới phân tích cho rằng, mặc dù lãnh đạo 2 nước đã có những tuyên bố mang tính xây dựng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tranh chấp tại quần đảo Dokdo/Takeshima sẽ được giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi Tổng thống sắp mãn nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak từng tới quần đảo Dokdo/Takeshima hồi năm ngoái và căng thẳng lập tức leo thang.

Giới truyền thông cho biết, sau buổi tiếp kiến bà Park Geun-hye, ông Fukushiro Nukaga đã hội đàm với Ngoại trưởng Kim Sung-hwan. Tuy 2 bên đều có những phát biểu nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhưng đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản vẫn bày tỏ sự tiếc nuối trước việc một tòa án Hàn Quốc từ chối đề nghị dẫn độ của Nhật Bản đối với một công dân Trung Quốc đã tấn công Đại sứ quán Nhật Bản ở Hàn Quốc hồi năm ngoái.

Ngày 4/1, Thủ tướng Shinzo Abe đã phản đối phán quyết của Tòa án Hàn Quốc và coi điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Nghi can người Trung Quốc tên là Lưu Cường, 38 tuổi, được đưa về Thượng Hải hôm 4/1, một ngày sau khi Tòa phúc thẩm Seoul ra phán quyết phóng thích. Được biết, Trung Quốc đang tranh chấp với Hàn Quốc một phần của rặng san hô dưới nước cách 92 dặm về phía tây nam của đảo Mara, cực nam của Hàn Quốc và vấn đề này hiện đang là một trong những vấn đề khiến quan hệ song phương chưa nồng ấm.

 

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất