Tranh chấp Trung - Nhật leo thang nhanh chóng

14/01/2013 08:19:00 Lượt xem: 2

Trong bài viết được đăng tải hôm 10/1, thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tuyên bố nếu Nhật bắn cảnh cáo máy bay của Trung Quốc đi vào vùng đảo tranh chấp, đó sẽ bị xem như hành động khơi mào chiến tranh.

Dẫn nguồn tin của báo giới Nhật, tờ báo này cho rằng hiện Tokyo đang cân nhắc việc cho phép các chiến đấu cơ của lực lượng phòng vệ bắn đạn lửa cảnh cáo máy bay tuần tra Trung Quốc xâm phạm không phận của Nhật trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Đồng thời thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn lại tuyên bố của một người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này rằng Trung Quốc kiên định phản đối sự vi phạm của Nhật Bản đối với chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trung Quốc “tiếp tục thận trọng trước những động thái nhằm leo thang căng thẳng”.

Dù vậy, tờ báo này cho rằng tuyên bố nêu trên của người phát ngôn Trung Quốc chưa đủ để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ “đáp trả các hành động thiếu thận trọng của Nhật”. Và rằng, “chúng tôi tin rằng nếu Nhật Bản dùng đạn lửa, việc đó chắc chắn sẽ khơi mào cho một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Nhật. Người Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu cầu chính phủ điều tàu hải quân và không quân tới trả đũa”, bài báo viết

Tác giả bài báo khẳng định, đạn lửa từng được sử dụng bởi Nhật để cảnh cáo các máy bay do thám của Liên Xô bay qua khu vực Okinawa năm 1987. Nhưng mối quan hệ giữa Liên Xô và Nhật khi đó trong tình trạng chiến tranh và xâm lược. Còn quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một khu vực tranh chấp điển hình.

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đang cân nhắc một cách thận trọng kế hoạch triển khai chiến đấu cơ tới quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu Nhật Bản sử dụng đạn lửa, chiến đấu cơ Trung Quốc chắc chắn sẽ được điều tới quần đảo này”, bài báo quả quyết.

Tờ báo này lý giải, việc Trung Quốc thay thế máy bay do thám bằng chiến đấu cơ không có nghĩa là các chiến đấu cơ sẽ có những hoạt động quân sự tại đó. Hành động này chỉ nhằm nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trước những khiêu khích từ Nhật Bản.

“Toàn khu vực Đông Á trong bối cảnh đó sẽ phải đối đầu với căng thẳng nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta không muốn khai chiến với Nhật. Tuy nhiên nếu Nhật Bản kiên quyết khiêu khích, chúng ta sẽ đáp lại họ tới cùng”, thời báo Hoàn Cầu tuyên bố.

Bài viết còn cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc không chuẩn bị một cách nghiêm túc cho khả năng này họ sẽ chịu những tổn thất lớn về chính trị. Khi ấy công luận sẽ không thể hiểu điều đó và không chấp nhận bất kỳ cách lý giải nào khác từ chính phủ.

Trong đoạn kết, bài báo đầy lời lẽ hiếu chiến khẳng định có thể sẽ không có xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật, nhưng chiến lược quản trị rủi ro cần phải linh hoạt hơn do sự đa dạng của các áp lực.

“Có rất ít chỗ cho sự nhân nhượng. Do đó hãy gạt đi mọi do dự và chuẩn bị một cách nghiêm túc cho những đợt cảnh cáo lẫn nhau và đối đầu với với Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu tình hình xấu đi, chúng ta cần buộc Nhật Bản trả giá đắt hơn Trung Quốc.

Tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ thử thách khả năng lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc trong thời gian dài. Nhưng chúng ta cần tự tin rằng đối thủ của chúng ta là một tên hiếu chiến nhưng lại chấp nhận sự chiếm đóng quân sự của Mỹ. Chừng nào chúng ta còn cứng rắn, chúng ta sẽ không thua trong cuộc đấu trí này”, bài báo chốt lại.

Tân Hoa xã lo lắng về chuyến công du châu Á của lãnh đạo Nhật Bản

Trong một diễn biến liên quan khác, cùng ngày, báo Tân Hoa Xã cũng đăng tải một bài viết trong đó bày tỏ mối quan ngại trước chuyến công du châu Á của các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ mới của Nhật Bản.

Theo đó, Tân Hoa Xã đưa tin về chuyến công du Philippines của Ngoại trưởng Nhật Bản Kumio Kishida. Tân Hoa xã trích dẫn nguồn tin của truyền thông Nhật Bản cho rằng, hai nước đang tăng cường hợp tác “bảo vệ biển” nhằm hợp tác ứng phó với Trung Quốc, nước đang ra sức mở rộng vai trò ảnh hưởng trên biển.

Bên cạnh đó, Tân Hoa xã cũng tỏ ra đặc biệt chú ý tới quan hệ Việt-Nhật, cho hay, sau chuyến thăm Philippines của Kumio Kishida vài ngày, đến ngày 16/1 tới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ đến thăm Việt Nam.

Trên thực tế, ở biển Đông, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên biển Đông (với đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử, được lịch sử Trung Quốc chứng minh), nhưng Trung Quốc lại luôn đưa ra những tuyên bố và có các hành động khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp, thiếu chứng cứ pháp lý và lịch sử.

Báo Trung Quốc còn viết, sau chuyến thăm Việt Nam, ông Shinzo Abe cũng sẽ đến thăm Thái Lan và Indonesia.

Tân Hoa xã dẫn nguồn “truyền thông Nhật Bản” cho rằng, lịch trình chuyến thăm như vậy đã cho thấy Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN này, tạo ra “thế kiềm chế” đối với Trung Quốc – nước luôn đòi hỏi quyền lợi biển một cách vô lý và bất hợp pháp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất