Không nên áp đặt việc thu hồi đất

18/03/2013 01:35:00 Lượt xem: 4
"Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, mà tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu và sẽ được pháp luật bảo hộ. Nhà nước muốn tước bỏ thì cũng nên trưng mua, trưng dụng có bồi thường như với các loại tài sản khác theo giá thị trường. Không nên dùng từ thu hồi đất vốn mang nặng tính áp đặt", TS Vũ Thị Lan Anh phát biểu.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội (phối hợp với UNDP và Viện Khoa học pháp lý) ngày 15/3 đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về kinh tế, xã hội.


4 bất hợp lý


Khoản 3, điều 58 dự thảo ghi rõ "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".


Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều đề xuất loại bỏ cụm từ "các dự án phát triển kinh tế - xã hội".


TS Vũ Thị Lan Anh (ĐH Luật Hà Nội) nêu 4 điểm bất hợp lý:

Thứ nhất, quyền sử dụng đất là quyền tài sản, mà tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu và sẽ được pháp luật bảo hộ. Do đó, nếu nhà nước muốn tước bỏ thì cũng nên trưng mua, trưng dụng có bồi thường như với các loại tài sản khác theo giá thị trường. "Không nên dùng từ thu hồi đất vốn mang nặng tính áp đặt mà nên thay thế bằng trưng mua, trưng dụng", bà Lan Anh đề nghị.


Bất hợp lý thứ hai, đó là nếu quy định như dự thảo dễ dẫn đến sự lạm dụng việc triển khai các dự án để thu hồi đất của tổ chức, cá nhân giao cho các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận trên danh nghĩa đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội.


Trên thực tế, khi đã được hiến định thì nhiều doanh nghiệp có thể biện minh cho mục đích xây dựng dự án chẳng hạn, vì phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm, chỗ ở cho xã hội... rất khó kiểm soát.


Theo TS Lan Anh, cũng cần tính đến trường hợp nhiều DN sau khi thu hồi đất dùng không đúng mục đích thì dân có quyền đòi lại hay không?


Hài hòa lợi ích


TS Đặng Vũ Huân (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật) bổ sung thêm, "quy định như trên không cần thiết bởi điều 56 dự thảo đã nêu rõ: trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường".


Do đó, khi đã ghi nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì có thể áp dụng theo điều khoản nói trên. Bởi theo ông Huân, trưng mua, trưng dụng có bồi thường thì cũng là thu hồi đất. Thực tế cho thấy, giá đất đền bù theo quy định của pháp luật thường thấp hơn giá thị trường và phần lớn khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai đều là do giá đền bù không thỏa đáng, không theo giá thị trường. Đây cũng là nguyên nhân của tham nhũng.


Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng phân tích, câu chuyện thu hồi đất có bồi thường cần phải được hiến định như một nguyên tắc để luật hóa.


Theo ông Dũng, thực tế thì việc thu hồi đất có bồi thường trong các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia (không có mục tiêu kinh doanh thu lời) vẫn diễn ra bình thường, được dân ủng hộ và rất ít xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội lại đang là vấn đề xã hội bức xúc nhất hiện nay. Người dân tố cáo, khiếu kiện nhiều do tiêu cực, do tham nhũng.


Trong khi đó, nếu Hiến pháp đưa ra một quy định chung cho tất cả các trường hợp trên thì chưa tạo được cơ sở để cụ thể hóa trong luật.


GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đề xuất, khoản 3 điều 58 dự thảo luật cần được thiết kế theo hướng "Trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, nhà nước thu hồi đất có bồi hoàn theo quy định của pháp luật".


Nói như TS Vũ Thị Lan Anh, quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân rất cần sự bảo vệ từ phía nhà nước và sự bảo vệ này cần được ghi nhận trong Hiến pháp như một cam kết từ phía nhà nước. "Bản Hiến pháp sửa đổi phải thực sự là tấm lá chắn bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội", TS Lan Anh bình luận.

- Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất