Quy hoạch sử dụng đất: Phải đảm bảo ổn định, khả thi

20/03/2013 02:38:00 Lượt xem: 8
Quy hoạch sử dụng đất phải được lập trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên có liên quan tới sử dụng đất

 


Chương 4 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có sự thống nhất cao về mọi lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi và ổn định. Đồng thời, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải dựa trên các yếu tố tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của dân cư, dân tộc.


Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng: Thực tế quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nước ta những năm qua còn yếu và hình thức, gây khó khăn, tổn thất và hậu quả khó khắc phục. Do đó, Luật đất đai sửa đổi lần này cần quy định chặt chẽ và chấn chỉnh tình trạng trên. Nhất trí với những nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại điều 35 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Phạm Ngọc Thảo cho rằng: cần bổ sung thêm 1 khoản sau 7 nguyên tắc là “Đảm bảo tính khoa học, ổn định, thống nhất và khả thi”.


“Thêm 1 khoản là khoản 8 “Quy hoạch đảm bảo tính khoa học, ổn định, thống nhất và khả thi. Hiện quy hoạch chúng ta còn chung chung, kế hoạch hình thức. Tôi đề nghị thêm hẳn 1 khoản là nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo tính khoa học và ổn định, nếu không ảnh hưởng đến người dân, kể cả doanh nghiệp”- ông Phạm Ngọc Thảo nói.


Góp ý vào Chương 4 về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng: Sau Luật đất đai 2003, đã có nhiều Luật liên quan đến đất đai như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… được ban hành với một số quy định còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất. Do vậy, Luật đất đai sửa đổi lần này cần nghiên cứu để đổi mới.


Ông Nghiêm nhận xét: Cách viết trong dự thảo còn chồng chéo không chỉ với Luật cũ đã ban hành mà còn chưa tiếp cận được Luật mới đang nghiên cứu. Đặc biệt, chưa quán triệt được tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.


Ông Nghiêm kiến nghị, cần tập trung làm rõ hơn mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước đã thể hiện thành chỉ thị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: “Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần làm cho rõ mấy điểm: Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đô thị thì hệ thống đến đâu, trong dự thảo ghi không rõ. Thứ hai phải có sự phân công bàn bạc để tránh tình trạng cơ quan quản lý chịu nhiều cơ sở pháp lý về sử dụng đất. Tôi cho rằng phải nghiên cứu kỹ. Riêng đối với đô thị chỉ nên dừng ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với huyện, còn quận nội thành đô thị  không nên có quy hoạch sử dụng đất. Còn tại dự thảo ghi là “ Quy hoạch cấp huyện và tương đương…”, viết như vậy nghĩa là có cả cấp quận. Như vậy là phi lý, sẽ trùng lặp, tốn nhiều công sức nhà nước.”


Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: cần phải điều chỉnh phương thức lập quy hoạch và việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất. 


Ông Võ đề xuất, quy hoạch sử dụng đất phải được lập trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên có liên quan tới sử dụng đất, lấy lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường làm nền tảng đối thoại để đạt tới sự đồng thuận cao. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất phải tích hợp nhiều yếu tố khác nhau như môi trường, biến đổi khí hậu, dân cư…


“Trong dự thảo, chương 4 Quy hoạch cấp tỉnh có 1 số vùng chỉ ra, đến quy hoạch cấp huyện thì yêu cầu chỉ ra tất cả các vùng. Tôi cho rằng đấy là bước tiến cũng khá tốt. Tuy nhiên, Quốc hội cũng cần xác định quy hoạch đất ở đâu. Theo tôi, quy hoạch đất phải nằm sau quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhưng phải nằm trước quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng là quy hoạch chi tiết hóa các vùng đã được chỉ ra trong quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất đến khi hướng dẫn triển khai cố gắng đưa những yếu tố tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của dân cư, dân tộc vào trong quy hoạch sử dụng đất thì mới là cách tiếp cận đầy đủ”.


Quy hoạch sử dụng đất là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, vì có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, thực chất sẽ giúp đất nước tận dụng được mọi tiềm năng về đất đai để phát triển một cách hợp lý, tiết kiệm được các nguồn lực.

- Theo VOV News

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất