Biển Đông trong chính sách Obama 2.0 : Các “lò đối ngoại” Mỹ khuyến nghị điều gì?

31/01/2013 13:12:00 Lượt xem: 4

Trong thư gửi Tổng thống Obama trước ngày nhậm chức, nhóm học giả Richard Bush, Bruce Jones và Jonathan Pollack thuộc viện Nghiên cứu Brookings khẳng định rằng việc đóng vai trò giúp quản lý xung đột ở Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt với lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực.

Thứ nhất, Washington đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải, giải quyết trong hòa bình các tranh chấp và thúc đẩy việc áp dụng luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Những động thái của Trung Quốc trong việc mở rộng các yêu sách chủ quyền, dù vẫn còn phi bạo lực, nhưng mang đầy tính áp chế, là tương phản với lợi ích của Mỹ.

Thứ hai, những hiệp ước tương trợ phòng thủ của Mỹ với các đồng minh nhiều khả năng sẽ đưa Mỹ vào những đụng độ không mong muốn với Trung Quốc nếu xung đột nổ ra.

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu kiến nghị đến ông Obama, khẳng định rằng việc đóng vai trò giúp quản lý xung đột ở Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt với lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực.

Khi đề cập đến phương hướng cụ thể, ba học giả trên cho rằng trước hết, Mỹ cần chủ động tiếp cận trực tiếp đến lực lượng lãnh đạo mới của Trung Quốc và cho họ thấy rõ những bất lợi về uy tín, ở cả cấp độ khu vực lẫn quốc tế, mà Trung Quốc sẽ gặp phải nếu tiếp tục những hành động mang tính áp chế, cũng như hậu quả to lớn trong trường hợp khủng hoảng niềm tin leo thang thành xung đột.

Trong ngắn hạn, Hoa Kỳ cần ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia có chung quan điểm xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông (COC) để né tránh xung đột.

Tuy nhiên về trung hạn, nhóm học giả này cũng khuyến cáo chính bản thân Hoa Kỳ cần thể hiện được vai trò của một cường quốc toàn cầu, từ đó đưa ra những sáng kiến nhằm xây dựng một cơ chế quản lý và giảm thiểu rủi ro xung đột trong khu vực một cách hiệu quả hơn.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề quản lý xung đột, Douglas Paal (Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment) lại nêu lên một vấn đề rằng tính chính danh của Mỹ ở Biển Đông vẫn có những giới hạn nhất định. Mỹ không có yêu sách lãnh thổ nào đối với các thực thể đảo tại đây. Các công ty và công dân Mỹ hiện nay cũng chưa chịu bất kỳ sự đe dọa. Tự do hàng hải là điều tối quan trọng đối với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc lại có cách hiểu của riêng mình về những quy định của UNCLOS liên quan đến các hoạt động hợp pháp của các tàu hải quân trong vùng đặc quyền kinh tế. Về phương hướng, ông cho rằng luật pháp quốc tế là chìa khóa hữu hiệu và ít tốn kém nhất để Hoa Kỳ có thể kiểm soát các biến động tại khu vực.

Ngoài ra, theo ông Patrick Cronin, học giả của Trung tâm nghiên cứu An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security CNAS), Hoa Kỳ cũng có thể hỗ trợ các quốc gia khu vực tìm kiếm một mô hình khả thi nhất để hợp tác khai thác tài nguyên. Ông cũng đơn cử, mô hình khai thác chung giữa Brunei và Malaysia cho thấy nguồn tài nguyên ở Biển Đông sẽ chỉ có thể được khai thác tối đa khi tồn tại một cơ chế hợp tác như vậy. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một giải pháp chia sẻ tài nguyên vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi trong giới học giả Hoa Kỳ, nhóm học giả Bush, Jones và Pollack lại cho rằng thời điểm này vẫn chưa thích hợp cho bất kỳ một giải pháp nào về “hợp tác – cùng khai thác”, ít nhất là cho đến khi tình hình Biển Đông thật sự “hạ nhiệt”.

Nhìn nhận những biến động căng thẳng gần đây tại Biển Đông tồn tại dưới nhiều tầng xung đột đan xen. Do vậy, một số học giả của Hoa Kỳ cũng đồng thời cho rằng, để giải quyết cũng như “hạ nhiệt” vấn đề Biển Đông nói riêng và toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung, vấn đề cần được ưu tiên giải quyết chính là mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ mà hiện nay đang dần trở nên căng thẳng.

Theo như học giả James M. Acton (Carnegie Endowment), hiện nay giữa Trung Quốc và bản thân Hoa Kỳ đang tồn tại một thế lưỡng nan về an ninh, khiến cho mối quan hệ Mỹ - Trung nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung có nguy cơ leo thang căng thẳng. Một mặt, Trung Quốc đang trên đà trỗi dậy mạnh mẽ, đồng thời luôn muốn khẳng định vị thế của mình trên khu vực và trường quốc tế. Tuy nhiên, sự hiện diện của Hoa Kỳ trên các mặt chính trị - quân sự - kinh tế, cũng như hệ thống đồng minh của Washington trong khu vực luôn được xem như một sự kìm kẹp bất công đối với Bắc Kinh. Mặt khác, phía Mỹ luôn luôn lo ngại về khả năng phát triển năng lực quân sự của Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa chiến lược, sẽ đe dọa đến những lợi ích cũng như ảnh hưởng của Nhà Trắng tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Những điều này sẽ làm sụt giảm vị thế “cường quốc toàn cầu” của Hoa Kỳ. Thế “lưỡng nan” này tạo nên những rủi ro nhất định trong việc phá vỡ sự cân bằng trong cuộc chơi quyền lưc tại Biển Đông, dẫn đến những xung đột cao hơn trong tương lai.

Để giải quyết tầng xung đột cao nhất này, Patrick Caronin (CNAS) cho rằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cần bồi đắp thêm sự tin tưởng lẫn nhau, theo đó kêu gọi Hoa Kỳ cần phải và tăng cường thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Các lĩnh vực thích hợp nhất hiện nay cho sự hợp tác là trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, khoa học và công nghệ (đặc biệt liên quan đến các nguồn tài nguyên tại Biển Đông), và hợp tác năng lượng mang tính thiết thực.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, một học giả khác James M. Acton (Carnegie Endowment) cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải mở thêm nhiều kênh đối thoại và nhiều cam kết hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề quân sự cũng như phát triển vĩ khí hạt nhân, để tăng cường niềm tin và giảm thiểu rủi ro xung đột. Ông đồng thời cũng cảnh báo, việc xây dựng những liên minh quân sự nhằm tạo thế căng bằng quyền lực trong khu vực đến lúc này không những chưa thật sự cần thiết, mà thậm chí còn có khả năng làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông.

Bản thân nhóm học giả Viện Brookings cũng đã nêu rất rõ trong bản đệ trình gửi Tổng thống Obama: nhằm tránh tối đa viễn cảnh Hoa Kỳ bị lôi vào những xung đột không cần thiết, Hoa Kỳ không thể chọn lựa đứng về bất kỳ phía nào trong cuộc tranh chấp tại các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Tính đến thời điểm này, sau một loạt những chuyến công du ngoại giao của chính quyền Obama đến Đông Nam Á cuối năm 2012, những động thái của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông vẫn chưa có bất kỳ chuyển biến nào mới. Nhìn nhận từ những quan điểm kể trên, rõ ràng bản thân giới học giả Hoa Kỳ cũng đang băn khoăn, đứng trước bối cảnh khu vực này đang dần trở nên căng thẳng hơn, cũng như Washington đã chính thức bước sang giai đoạn “chuyển trục Thái Bình Dương”.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất