Brunei và vấn đề Biển Đông trên ghế “nóng” Chủ tịch ASEAN

03/01/2013 07:47:00 Lượt xem: 25

Liệu có thể có một sự thay đổi về chất trong lập trường của ASEAN về vấn đề nóng bỏng này không khi Chủ tịch luân phiên của khối là Brunei – nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông?

Khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012 đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung vì chia rẽ quan điểm trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, người ta đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Campuchia – nước Chủ tịch luân phiên của khối, vốn có quan hệ song phương rất tốt đẹp với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Campuchia ông Hor Namhong trao đổi riêng bên lề cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh tháng 7/2012

Theo giới quan sát, kể từ khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, Campuchia đã thực hiện một lập trường kiên quyết về vấn đề Biển Đông thay vì cố gắng tìm kiếm những điểm chung giữa tất cả các bên liên quan như các nước Chủ tịch ASEAN đã từng làm trong quá khứ.

Ngay cả Nhật Bản, một nước ngoài ASEAN, cũng bày tỏ sự thất vọng qua các kênh ngoại giao với tuyên bố của Chủ tịch hội nghị do Campuchia đưa ra tại cuộc gặp các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh dịp cuối tháng 7/2012. Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản than phiền rằng, các điểm chính trong tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng như quan điểm của các ngoại trưởng khác tại hội nghị đã không được thể hiện trong các văn kiện, trong đó có các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Phản ứng mạnh mẽ của Philippines trong và sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao khác tại Phnom Penh hồi tháng 11/2012 về tuyên bố “ASEAN nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục củng cố những bức xúc và hoài nghi về việc Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã cố tình “ém nhẹm” hồ sơ Biển Đông. Sau đó, đích thân ông Hun Sen với tư cách Thủ tướng nước chủ nhà phải thừa nhận ASEAN tiếp tục thất bại trong việc đạt được đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc.

Bước sang năm 2013, các nhà phân tích lại tự hỏi liệu có thể có một sự thay đổi về chất trong lập trường của ASEAN về vấn đề nóng bỏng này không khi Chủ tịch luân phiên của khối là Brunei – nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc điểm này có thể khiến cho Brunei có quan điểm mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc hay không? Chúng ta hãy cùng phân tích về vị thế và quan điểm của Brunei trong ASEAN và mối quan hệ với Trung Quốc.

Brunei tiếp nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Campuchia

Giống như Campuchia, Brunei không phải là một thành viên chủ chốt cũng không phải là thành viên sáng lập của ASEAN. Quốc gia nhỏ bé này gia nhập ASEAN vào năm 1984, tức là 17 năm sau khi khối được thành lập bởi các thành viên Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Như vậy, không thể nói là không có chút lo âu nào về sự chín chắn trong khả năng ngoại giao, cam kết vững bền với khối, khả năng kiểm soát và xử lý xung đột hiệu quả của Darussalam, nhất là khi Brunei đã duy trì tính trung lập trong các vấn đề khu vực nhiều năm qua.

Điều này có thể thấy rõ hơn khi ASEAN đứng trước nguy cơ mất đoàn kết nội bộ sau thất bại tại Hội nghị Ngoại trưởng của khối hồi tháng 7/2012, các thành viên chủ chốt như Singapore, Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là Indonesia mới là những người đóng vai trò tích cực trong việc hàn gắn những bất đồng nội khối. Ngoại trưởng Indonesia với các chuyến ngoại giao con thoi đã vận động thành công các đối tác thành viên ASEAN chấp thuận Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh "quyết tâm tăng cường tham vấn trong khối nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á 1976 và Hiến chương ASEAN 2008".

Kinh tế Brunei phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ

Thêm vào đó, cũng giống như Campuchia, Brunei có quan hệ kinh tế đáng kể với Trung Quốc. Nếu như với Phnom Penh, Bắc Kinh dành nhiều khoản cho vay ưu đãi cũng như đầu tư, trợ cấp hàng tỉ USD, thì với Brunei, Trung Quốc lại là một bạn hàng lớn, một đối tác quan trọng mua và đầu tư vào dầu mỏ của nước này. Trong khi đó, Brunei lại phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng tài nguyên hydrocarbon mà hiện đang chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 90% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Hoàng gia Brunei cũng dựa vào nguồn thu nhập khổng lồ này để duy trì vị thế lãnh đạo của mình, củng cố bộ máy an ninh và xoa dịu dân chúng bằng các khoản phúc lợi và chương trình trợ cấp hào phóng của mình.

Có thể nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng trong thương mại song phương giữa 2 nước. Từ năm 2001 đến 2011, thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và Brunei đã tăng vọt từ 100 triệu USD lên 1,3 tỷ USD, vượt qua mục tiêu 1 tỷ USD mà 2 nước trước đó đặt ra. Gần đây, xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc của Brunei đã đạt 13.000 – 20.000 thùng dầu thô/ngày, chiếm 1/8 tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của nước này.

Trong khi đó, các công ty năng lượng của Trung Quốc, từ Tập đoàn Zhejiang Henyi đến Sinopec Engineering hay Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đều có chân trong nhiều dự án thăm dò dầu khí và xây dựng nhà máy lọc dầu hàng tỷ USD tại Brunei. Và ngước lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brunei cũng đang từng bước tìm chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah nhân chuyến thăm chính thức Darussalam năm 2011

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm chính thức Darussalam vào năm 2011 còn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng gặp Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ song phương Bắc Kinh – Darussalam.

Tất cả những điều kể trên có thể đã, đang và sẽ làm nảy sinh những hoài nghi về khả năng Brunei sẵn sàng vượt qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng với Bắc Kinh để thực hiện một vai trò lớn hơn trong khu vực với tư cách là chủ tịch mới của ASEAN. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, không giống như Campuchia, Brunei là thành viên trực tiếp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông với Trung Quốc, dù không duy trì hiện diện quân sự trên đảo tranh chấp nào.

Sau khi Campuchia bàn giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN cho Brunei cuối tháng 11, một số quốc gia trong khu vực đã thúc giục vương quốc bé nhỏ đóng một vai trò xây dựng lớn hơn so với Campuchia. Một số quốc gia như Indonesia, Việt Nam đã bày tỏ tin tưởng vào vai trò Chủ tịch tích cực của Brunei trong nhiệm kỳ mới. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Darussalem cuối tháng 11/2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Brunei đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng. Đặc biệt, hai nước đã nhất trí về lập trường có tính nguyên tắc là đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; thực thi đầy đủ và nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thêm vào đó, với việc nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN trong 5 năm tới, bên cạnh nước Chủ tịch Brunei, theo các nhà phân tích, có khả năng ASEAN sẽ tạo nên được một mặt trận đa phương, đoàn kết xử lý hòa bình tranh chấp với Trung Quốc Biển Đông, thúc Bắc Kinh sớm ngồi vào bàn đàm phán COC.

Mặt khác, là nước giàu thứ 5 thế giới tính theo GDP đầu người, tân Chủ tịch ASEAN không phải phụ thuộc vào viện trợ hay đầu tư của Trung Quốc như Campuchia. Bên cạnh đó, chế độ quân chủ cầm quyền ở Brunei cũng được cho là muốn sử dụng tư cách Chủ tịch ASEAN để nâng cao hình ảnh của đất nước, có nghĩa là có khả năng Darussalem sẽ lưu tâm đến việc xử lý xung đột và đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp. Hơn nữa, Brunei cũng có lợi ích lâu dài trong việc phát triển dầu mỏ và khí đốt, cả ở trong vùng lãnh hải cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông mà hiện Trung Quốc đang tự nhận chủ quyền gần hết. Đó là lợi ích quốc gia của Brunei, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu khí nội địa đang dần cạn kiệt. Và đó cũng là lý do để chúng ta có thể lạc quan và ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN của Brunei!

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất