Góp ý sửa đổi Luật Đất đai năm 1993: Nhiều quy định mới thuận cho nhà quản lý, thiếu cụ thể đối với

01/01/2013 15:07:17 Lượt xem: 6

Là người từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam có những góp ý rất tâm huyết và thiết thực trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Báo CAND nhằm làm cho việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 1993 lần này đạt hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, trên nhiều cương vị công tác đều va chạm với Luật Đất đai, và ông đã tham gia góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 1993 (tháng 8/2012), ông có thể chia sẻ về cách tiếp cận cũng như kết quả thu được qua góp ý sửa đổi bổ sung Luật Đất đai lần này?

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm: So với bản dự thảo tháng 8/2102 có 14 chương với 190 điều, bản dự thảo sửa đổi Luật Đất đai tháng 1/2013 đã tăng thêm 16 điều. Điều đó chứng tỏ sức hút cũng như tầm quan trọng của Luật Đất đai đối với không chỉ Nhà nước, các nhà quản lý mà còn lôi cuốn cả đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm tham gia sửa đổi, bổ sung bộ luật này. Trong đó, phần thu hồi đất được bổ sung, sửa chữa khá nhiều nội dung.

Tuy nhiên, nghiên cứu bản dự thảo lần này, tôi thấy khá nhiều quy định mục đích còn nặng về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai (mà những vấn đề này đều có thể giải quyết thông qua một nghị định). Vấn đề người dân quan tâm, chính là luật quy định những nội dung cụ thể, thiết thực nói lên phạm vi cho phép người dân được sử dụng đất đai đến đâu và như thế nào thì dự thảo lại chưa nêu được.

Cần tham khảo ở một số nước, Luật Đất đai chỉ tập trung xử lý quyền tài sản và các quan hệ dân sự liên quan đến đất đai (chẳng hạn như tại Pháp, người ta chỉ có Luật Quy hoạch và quan hệ dân sự trong vấn đề đất đai được nêu trong Luật Dân sự, mà không có Luật Đất đai riêng). Vì Luật Đất đai không chỉ liên quan đến môi trường sống của người dân, đến tài nguyên hàng đầu của quốc gia, đến phát triển kinh tế đất nước mà qua đó còn phải góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã vạch ra.

Do vậy, tôi mong muốn cách tiếp cận để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này vừa thuận lợi cho Nhà nước quản lý đất đai nhưng đồng thời phải thuận lợi cho người dân, nhất là nông dân trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ xung quanh vấn đề đất đai. Bởi thực tế thời gian qua, nhiều văn bản quy định về đất đai ban hành chồng chéo, thiếu cụ thể đã để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài và phức tạp ảnh hưởng tới cả quyền lợi của người dân và hiệu lực của các cơ quan quản lý. Với những lý do đó, tôi tha thiết mong muốn sửa đổi Luật Đất đai lần này khắc phục được những nhược điểm đó.

Phóng viên: Những điểm mà ông cho là rất cần thiết phải sửa đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này là gì?

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm: Tôi đã góp ý vào bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (bản tháng 8/2012), về phân loại đất quy định tại Điều 9. Trong đó, tôi đề nghị đổi nhóm đất phi nông nghiệp thành đất xây dựng có bao gồm đất đô thị. Theo tôi, tên gọi “đất phi nông nghiệp”, “đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp” trong điều này không chỉ là vấn đề từ ngữ, mà từ cách nhìn nhận đó nó còn ảnh hưởng không tốt cho phát triển đô thị, cho quá trình công nghiệp hóa (thực tế, ở không ít địa phương nhất là khu vực đô thị, giao đất phi nông nghiệp đã bị một số người dân lợi dụng xây dựng công trình nhà cửa, vật kiến trúc hoặc sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến khi Nhà nước thu hồi gặp khó khăn, chi phí bồi thường lớn, hoặc dẫn tới khiếu kiện phức tạp - PV).

Cách gọi “thu hồi đất” để chỉ việc Nhà nước cưỡng chế lấy đất vì lợi ích công cộng lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Đất đai năm 1993 và được duy trì cho đến nay là chưa thật chính xác. Vì theo tôi, từ thu hồi không thể hiện tính bắt buộc phải chấp hành. Muốn dùng từ này phải gọi cho đúng là “thu hồi bắt buộc”, khác với việc thu hồi quyền sử dụng đất mà người dân tự nguyện trả lại hay thi hành án.

Một vấn đề nữa, nguyên tắc nêu trong Điều 74 chương VI và Điều 107 chương VII về giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất… là chưa hợp lý vì nhiều lẽ. Tại một số nước, thường người ta quy định ngắn gọn là bồi thường công bằng, còn thực hiện việc công bằng này như thế nào thì đã có quy định trong các văn bản pháp quy khác điều chỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất