Mổ xẻ chủ nghĩa dân tộc TQ trong tranh chấp biển đảo

15/01/2013 07:58:00 Lượt xem: 12

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chạy đua vũ trang, chuyển giao quyền lực… đang làm tăng thêm nguy cơ xảy ra chiến tranh trên những vùng biển gần Trung Quốc.

Tàu Hải giám Trung Quốc tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Theo tờ Le Monde Diplomatique (Pháp), phản ứng mới đây của Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp lãnh thổ là chộp lấy “một chút rắc rối” để “biểu dương lực lượng” và mưu toan thay đổi nguyên trạng lãnh thổ nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Việc làm này đánh dấu sự đoạn tuyệt với chủ trương “Khẳng định chủ quyền của chúng ta, gạt xung đột sang một bên, theo đuổi sự phát triển chung” mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra hồi cuối những năm 1970. Chủ tịch nước đương nhiệm Hồ Cẩm Đào cũng từng nhắc lại nguyên tắc “Gạt những tranh cãi sang một bên và tạo thuận lợi cho sự phát triển chung”, nhưng chính quyền của ông lại làm cái điều trái ngược.
 

Vô số thế lực chính trị và kinh tế ở Trung Quốc đã lợi dụng căng thẳng về lãnh thổ để phục vụ cho lợi ích riêng, cục bộ và điều này đã góp phần không ít vào sự “lên gân” của chính phủ. Nhiều tác nhân Trung Quốc tham gia các phi vụ làm ăn trên biển và từng được gọi là “9 con rồng khuấy động Biển Đông”. Trên thực tế, con số các tác nhân vượt xa so với con số 9. Trong số đó, có các chính quyền địa phương, Hải quân, Bộ Nông Nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, các lực lượng an ninh, thuế quan hay Bộ Ngoại giao.

Tham vọng của chính quyền các vùng ven biển Hải Nam, Quảng Tây và Quảng Đông… càng được kích thích bởi sự kết hợp của một chính sách tăng trưởng với một quyền tự trị lớn hơn của các nhà chức trách địa phương. Đó là lý do tại sao các chính quyền địa phương này khuyến khích ngư dân của họ tiến sâu hơn nữa vào các vùng biển đang có tranh chấp, thúc ép ngư dân hiện đại hóa tàu thuyền và trang bị các hệ thống hoa tiêu bằng vệ tinh. Việc ưu tiên cấp giấy phép đánh cá cho các tàu đánh cá lưới rê cỡ lớn chính là một sự thúc đẩy khác theo hướng này.

Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã nhiều lần mưu toan phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa, bất chấp sự phản kháng quyết liệt từ phía Việt Nam. “Hành động trước, suy nghĩ sau”, đó dường như là phương châm làm việc của các chính quyền địa phương với Bắc Kinh. Họ đẩy những quân cờ của mình đi xa hết mức có thể trên mặt trận kinh tế và chỉ “thoái bộ” khi chính quyền trung ương…tuýt còi.

Hiện có sự cạnh tranh giữa hai cơ quan “cảnh sát biển” hùng hậu ở Trung Quốc. Đó là lực lượng Hải giám do Bộ Tài nguyên và Đất đai quản lý và Lực lượng bảo vệ luật ngư nghiệp (Ngư chính) thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp. Hai lực lượng này đang đua nhau tăng cường các hạm đội trực thuộc và lao vào những vùng biển tranh chấp. Tranh giành các khoản trợ cấp và ưu tiên của các bộ chủ quản, hai lực lượng này cố tình vượt qua ranh giới quyền hạn của họ để giành được ngân sách nhiều nhất. Hai lực lượng này dựa vào việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải để lấy lòng lãnh đạo ở trong nước. Về phần mình, chính quyền trung ương nhìn thấy những lợi ích trong việc sử dụng các cơ quan dân sự bởi vì điều này giúp họ tránh nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp.

Theo nguyên tắc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là đảm nhiệm một vai trò nổi bật. Nhưng trên thực tế, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Dương Khiết Trì “có ít quyền hạn hơn Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc” - một quan sát viên hậu trường chính trị ở Bắc Kinh đã nói như vậy. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn, kể từ khi các bộ Thương mại, Tài chính, An ninh Quốc gia và cả Ủy ban quốc gia Phát triển và Cải cách (một thứ siêu bộ) nắm lấy các đòn bẩy chính của chính sách đối ngoại.

Đầu năm 2012, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc muốn xoa dịu dư luận thế giới bằng cách giải thích rằng, Trung Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền toàn bộ Biển Đông đã gây ra làn sóng bất bình trong dư luận Trung Quốc, vốn từ nhiều thập kỷ qua đã quen nghe tuyên truyền cái điều ngược lại. Nhiều cư dân mạng kêu gọi tiến hành thanh trừng nội bộ, lên án những “kẻ phản bội” và “biến chất” đang… “bán rẻ lợi ích quốc gia”.
 
 Vị trí của bãi đá ngầm Scarborough (A) trên Biển Đông.
 
Chính quyền Trung Quốc cũng không ngần ngại tiến hành những vụ trả đũa. Những rắc rối vào tháng 4/2012 quanh bãi đá ngầm Scarborough đã chứng tỏ điều này. Lúc đầu, Philippines phản kháng sự xâm nhập của các ngư dân Trung Quốc bằng cách điều tới bãi đá ngầm Scarborough một tàu hải quân. Trung Quốc chộp lấy cơ hội này để tái khẳng định chủ quyền của họ đối với  bãi đá ngầm bằng cách triển khai một hạm đội duy trì trật tự trong khu vực và cấm ngư dân Philippines tới gần. Việc nhập khẩu hoa quả từ Phillípin bị tẩy chay, các công ty du lịch phải ngừng các hoạt động. Bằng cách kiểm soát bãi đá Scarborough và ngăn chặn người Philippines tới đó đánh cá, Trung Quốc đã tạo nên một thực trạng mới có lợi cho họ.

Hồi tháng 6, khi Việt Nam thông qua Luật Biển, Chính phủ Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và thiết lập một đơn vị đồn trú quân sự. Mặt khác, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng đã ngang nhiên mời thầu khai thác dầu tại 9 lô nằm ngay trong Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chồng lấn lên những mỏ dầu  đã được giao cho PetroVietnam.

Trong khi căng thẳng ở Biển Đông dường như lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè năm 2012, một cuộc khủng hoảng khác cũng đã nổi lên vào tháng 9 và lần này là ở vùng Biển Hoa Đông, với thông báo của Chính phủ Nhật mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn đang thuộc về một tỷ phú người Nhật. Chính quyền Nhật Bản đã biện bạch cho việc mua lại các hòn đảo này là để ngăn chặn chúng rơi vào tay viên thị trưởng Tokyo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa vừa từ chức để lập ra đảng mới.

Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội và tiến hành những biện pháp trả đũa kinh tế, những cuộc tập trận lớn bao gồm cả hải quân, không quân và một đơn vị tên lửa chiến lược. Hơn nữa, các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã đặt quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) dưới sự quản lý của Trung Quốc. Trung Quốc tự cho phép mình cái quyền phái các tàu công vụ (Hải giám và Ngư chính) đến khu vực cho đến nay vốn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Không những thế, Trung Quốc còn cho máy bay do thám Y-12 bay trên không phận Senkaku/Điếu Ngư và phái máy bay chiến đấu phản lực hiện đại J-10 "giám sát hoạt động" của máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản. Điều này đang làm tăng thêm khả năng xảy ra những vụ đụng độ mới. 
 
Máy bay do thám Y-12 của Trung Quốc bay qua không phận Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 12/2012.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chạy đua vũ trang và không có một lực lượng đóng vai trò thủ lĩnh trong khu vực cũng như tính chất bấp bênh của những cuộc chuyển giao chính trị đã làm trầm trọng thêm nguy cơ của một vòng xoáy xung đột rên vùng biển xung quanh Trung Quốc. Nguy cơ này càng lớn hơn vì những cơ chế và những tiến trình có khả năng ngăn chặn tình hình leo thang đã bị suy yếu đáng kể trong những năm gần đây.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất