NH phải dự phòng rủi ro cho vay qua thẻ tín dụng

23/01/2013 20:13:00 Lượt xem: 15

Ngày 21-1-2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02/2013 /TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư được xây dựng gồm 4 Chương và 25 Điều, trong đó Chương I là các quy định chung, Chương II quy định cụ thể các mục: Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng; Trích lập dự phòng; Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; Quản lý nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; Hạch toán, báo cáo; Chương III quy định trách nhiệm của NHNN và xử lý vi phạm; Chương IV là các điều khoản thi hành.

Về đối tượng áp dụng, Thông tư này áp dụng đối với ngân hàng thương mại, TCTD phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài để phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro phải được NHNN chấp thuận với điều kiện chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài tiên tiến và ưu việt hơn so với quy định tại Điều 6 Thông tư này.

TCTD trong thời gian triển khai phương án tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập có khó khăn trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro báo cáo Thống đốc NHNN để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn hệ thống.

So với Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4-2005, Thông tư này bổ sung những nội dung mới gồm: Bổ sung phạm vi điều chỉnh so với, Quyết định 18, Thông tư 15: (i) Các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; (ii) Số tiền mua và uỷ thác mua trái phiếu chưa niêm yết; (iii) Uỷ thác cấp tín dụng; (vi) Tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán); Quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo thời gian quá hạn để phù hợp điều kiện thực tế hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phân loại theo phương pháp định tính, Thông tư quy định đồng thời phân loại theo phương pháp định lượng và nếu có khoản nợ, cam kết ngoại bảng được phân loại theo định lượng vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh cho phù hợp; Bổ sung, yêu cầu phân loại đối với những tài sản có vi phạm vào nhóm nợ có rủi ro cao; Yêu cầu những nội dung có tính nguyên tắc phải có trong các quy định nội bộ; TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thông tư bổ sung quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cung cấp kết quả tự phân loại nợ cho Trung tâm thông tin tín dụng, Trung tâm thông tin tín dụng tổng hợp và cung cấp lại cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài danh sách khách hàng có nhóm nợ ở mức độ rủi ro cao nhất để TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; Bổ sung quy định nguyên tắc phân loại nợ đối với các khoản mua nợ, bán nợ, khoản cho vay, đầu tư theo ủy thác, các khoản nợ có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các khoản nợ vi phạm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2013.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất