Bất động sản: Cứu hay “để rơi”?

01/04/2013 11:20:00 Lượt xem: 22
Sau phát biểu gây sốc cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) - “nên để thị trường BĐS rơi tự do”, hôm qua 31.3, Tiến sĩ Alan Phan đã gửi cho Lao Động bức thư ngỏ trả lời 15 câu hỏi chất vấn của 1.000 thành viên CLB BĐS Hà Nội. Bức thư lập tức thu hút sự quan tâm không chỉ của giới doanh nghiệp BĐS… đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

 

Để sớm vực dậy thị trường BĐS cần có một thị trường minh bạch và lành mạnh.

Không phải “cứu” hay... không “cứu”!


Trao đổi với một số DN kinh doanh BĐS về quan điểm để thị trường BĐS rơi tự do của ông Alan Phan, một DN BĐS lớn trên thị trường Hà Nội cho rằng, trong sự phát triển kinh tế của một đất nước, khi một thị trường của nền kinh tế khó khăn thì ai cũng có quyền nhận xét, chỉ trích hay tỏ thái độ về các chính sách của Nhà nước, có thể là dưới cái nhìn của một nhà kinh tế hay của một công dân. Vấn đề là cần có cái nhìn thấu đáo, khách quan và có trách nhiệm.


“Quan điểm của ông Alan Phan chỉ là một phát biểu mang tính cá nhân của một Việt kiều không bị ảnh hưởng gì đến quyền lợi khi mà thị trường BĐS Việt Nam dù “rơi tự do” hay “rơi có định hướng”. Cũng chính vì thế, nó tỏ ra rất khách quan, rất đáng suy nghĩ. Nhưng tôi cho rằng, nếu ông Phan đang là NĐT của thị trường BĐS Việt Nam, chưa chắc ông đã dũng cảm nói thế”- lãnh đạo một doanh nghiệp nói. 


Không thể phủ nhận, đã có một thời gian dài, rất nhiều DN BĐS làm ăn chụp giật, thị trường BĐS chạy theo phong trào, phát triển theo kiểu “nhà nhà làm BĐS”, điều này dẫn đến sự méo mó của thị trường hiện nay. Hơn ai hết, các DN trong ngành hiểu rõ và đang phải gánh chịu những hậu quả do sự phát triển bất chấp quy luật cung cầu. Lúc này, chính họ đang phải tự mình giải quyết hậu quả, chủ động tìm lối đi về gần với nhu cầu thực của người tiêu dùng. 


“Bên cạnh họ, Nhà nước và người dân cũng bị “liên luỵ”. Nhà nước cũng có lỗi khi đã không kịp thời điều chỉnh, định hướng thị trường thậm chí còn có nhiều tác động khiến quả bong bóng phình to hơn. Người dân cũng vậy, “tâm lý đám đông” cũng khiến họ “lên thuyền” cùng DN” - lãnh đạo một DN BĐS tại TPHCM phân tích.


Song, vấn đề hiện nay không phải là ngồi đó để xem ai có lỗi và trách móc mà cần hành động để sửa lỗi, cải tạo, phát triển thị trường BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh và minh bạch hơn. 


“Ông Phan cho rằng, DN BĐS “chết”, nhà băng “chết”, CK tụt giảm... cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền”. Nhưng liệu có cách nào để làm được thế? Chính phủ sẽ phải làm gì? Ai cũng hiểu, thị trường BĐS hiện nay là một “yết hầu” của nền kinh tế, nếu nó đổ vỡ thì sẽ giống như quân bài domino, nhiều thứ sẽ đổ vỡ theo mà điển hình sẽ là NH, CK, công nghiệp xây dựng và vật liệu... 


DN BĐS phá sản hàng loạt, đồng nghĩa với việc bài toán nợ xấu sẽ vô cùng khó giải, thậm chí NH sẽ sụp đổ, thì ai sẽ là người trả tiền cho người dân? DN BĐS phá sản hàng loạt cũng đồng nghĩa với hàng loạt dự án đang triển khai “đắp chiếu”, người dân đã đóng tiền mua nhà sẽ không thể có nhà và mất tiền...


Trong hoạt động kinh tế của một đất nước, vai trò của Nhà nước là biết đưa tay can thiệp để giải quyết những khó khăn của thị trường một cách đúng lúc, đúng cách chứ không phải là “hãy để chúng chết đi”. Ở chính nước Mỹ - nơi ông Alan Phan mang quốc tịch, câu chuyện về Fannie Mae/Freddie Mac ngày nào là điển hình. 


Cuối tháng 2 vừa qua, khi tới Việt Nam, ông John Sheehan là một chuyên gia quốc tế, thành viên Tổ chức giám định BĐS Hoàng Gia (FRICS) của Anh, cũng chia sẻ rằng: “Với tình trạng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, rất cần có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường BĐS hiện không đủ khả năng để tự cứu mình. Sự can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh”.


Vấn đề là “cứu” thế nào?


Như vậy, có thể thấy vấn đề của thị trường BĐS hiện nay không phải là sự lưỡng lự cứu hay không cứu mà vấn đề là cứu như thế nào? Để sớm vực dậy thị trường BĐS và hướng tới một thị trường minh bạch, lành mạnh rất cần có sự góp sức, chung tay của “bốn nhà” là DN - NH - Nhà nước và người dân. Triển vọng và cơ hội kinh doanh cho thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới tùy thuộc không chỉ vào hệ quả chính sách nới lỏng tài chính - tiền tệ, mà còn tuỳ thuộc vào sự triển khai các giải pháp đồng bộ cho thị trường.


DN BĐS tự tìm cách cứu mình bằng tái cấu trúc danh mục đầu tư; Nhà nước hỗ trợ DN bằng việc gỡ bỏ những rào cản chính sách, đưa ra những gói/chính sách kích cầu thị trường, xem xét chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; NH có chính sách mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, hỗ trợ cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp cho người có nhu cầu mua nhà để ở... 


“Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là về phía người dân. Mỗi người hãy nên có chính kiến riêng và dẹp bỏ tâm lý chờ đợi. Không thể nói chắc về thời gian, nhưng cùng với việc phục hồi kinh tế, thị trường BĐS chắc chắn sẽ ấm dần lên. Đây là thời điểm người dân cần nắm bắt cơ hội gắn với xu hướng kích cầu cho BĐS nói riêng và kích cầu đầu tư và tiêu dùng nói chung. 

Giờ đây, có rất nhiều người muốn thị trường BĐS Việt Nam nhanh chóng lâm vào giai đoạn “bắt chuồn chuồn”, hấp hối, khi đó, họ sẽ dẫn các nhà đầu tư ngoại vào “mua gà ốm” với giá rẻ mạt. Nếu có tầm nhìn 5 năm trở lên, thị trường BĐS Việt Nam vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”. Vì thế, đừng tin những gì họ nói mà hoảng” - DN này khuyến cáo.

- Theo Lao Động

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP
Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM
Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

(Website đang vận hành thử nghiệm để hoàn thiện giấy phép hoạt động)

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất