Bất động sản đang trong thời kỳ khó khăn nhưng nó cũng mở ra cơ hội mới cho hoạt động mua bán sáp nhập giữa các doanh nghiệp trong thị trường này.
Trong bản nghiên cứu thị trường mới đây của công ty tư vấn bất động sản Sohovietnam, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dự án bất động sản (BĐS) diễn ra ngày càng sôi động, với nhiều thương vụ được thực hiện thành công trong thời gian gần đây.
Điển hình tại TPHCM, hoạt động mua bán sáp (M&A) nhập diễn ra khá sôi động, ví dụ như thương vụ CT Group mua lại dự án sân golf tại (H.Nhà Bè) từ công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc); Futaland và Công ty Cổ phần Đức Khải chuyển nhượng dự án New Pearl Residences trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) cho công ty Vạn Thịnh Phát; Indochina Capital mua lại dự án xây dựng 114 biệt thự tại (Q.9) hay vụ Công ty địa ốc Hòa Bình bán lỗ 30 tỷ đồng dự án tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng Hòa Bình Tower (Q7. TPHCM) ….
Theo Sohovietnam, nhu cầu M&A các dự án BĐS hiện nay đang rất “nóng”, bằng chứng là các chủ đầu tư thông qua Sohovietnam để chào bán 80 dự án với loại hình rất đa dạng như dự án căn hộ, đất xây tổ hợp, đất xây văn phòng, khu đô thị rộng 5-10ha, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động…
|
Thị trường M&A trở nên sôi động bởi các dự án BĐS đang gặp khó khăn |
Hầu hết những doanh nghiệp đang chào bán các sản phẩm trên là do nằm trong hoàn cảnh đã vay tiền của ngân hàng; huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, hoặc ứng vốn của nhà thầu hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng, nhưng do đầu ra cho sản phẩm “trầm lắng” nên không có doanh thu trả lãi ngân hàng và nhà thầu nên buộc phải bán dự án. Cũng có trường hợp các doanh nghiệp trong giai đoạn trước đây đã kiếm tiền rất nhiều và rất dễ từ BĐS nên tham vọng mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này bằng cách lấy tiền lãi của dự án đã bán để đầu tư tiếp vào các dự án khác, nhưng trong bối cảnh hiện nay không có tiền để đầu tư nhiều dự án cùng một lúc nên buộc phải tìm cách bán bớt một số dự án.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất BĐS nhưng lại nhảy vào thị trường này lúc sốt bằng cách lấy tiền lãi từ ngành nghề kinh doanh chính để mua dự án đến khi không triển khai được buộc phải bán đi để quay lại ngành nghề kinh doanh chính nhằm thoát khỏi khó khăn.
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sohovietnam: Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng các dự án BĐS chào bán ngày càng tăng. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do trong thời gian trước đó các đơn vị chịu tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao, đầu ra cho sản phẩm không có vì thị trường BĐS trầm lắng, nên rất nhiều doanh nghiệp BĐS lâm vào tình trạng khó khăn và buộc phải tính đến phương án bán tháo dự án.
Trong những trường hợp này, các doanh nghiệp có nhu cầu bán dự án trở nên bị động nên giá cả sẽ bị đẩy xuống thấp hơn trị giá ban đầu. Vì vậy đây là cơ hội lớn cho những đơn vị có tiềm lực biết nắm bắt thời cơ để thâu tóm những dự án tốt với giá hợp lý.
“Nếu như trước đây rất nhiều doanh nghiệp đã hy vọng mua được dự án tốt với giá hợp lý hay nói đúng hơn là giá rẻ nhưng không có cơ hội thì hiện nay những nhà đầu tư Việt Nam có lượng tiền mặt vài trăm tỷ đồng đang có rất nhiều cơ hội để M&A các dự án BĐS. Đang có hàng trăm dự án thông qua Sohovietnam để chào bán”- ông Cần cho biết.
Cũng theo Sohovietnam, từ những thương vụ mua bán thành công trong thời gian gần đây cũng như tiếp xúc với nhiều khách hàng có nhu cầu mua dự án, thì một điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước đang là lực lượng mua chính trên thị trường BĐS chứ không phải là giới đầu tư nước ngoài. Trong đó những doanh nghiệp có tiền mặt đang sẵn sàng lùng mua những dự án bất động sản có vị trí đẹp, đã có mặt bằng hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng; sau đó sẽ dần hoàn thiện các thủ tục và đợi thị trường khởi sắc sẽ khởi động dự án.
- Theo PetroTimes