Đánh vào nguồn cung
Thời điểm tất toán việc huy động và cho vay vàng của các ngân hàng sắp đến. Các ngân hàng đang tiếp tục tìm mọi cách mua đủ số vàng còn thiếu.
Đầu năm 213, con số được đưa ra là còn thiếu khoảng 20 tấn. Sau đó, đến hết tháng 3/2013, các ngân hàng đã được tạm xuất tái nhập chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC khoảng 10 tấn để trả cho dân. Từ đầu tháng 4, Ngân hàng nhà nước đã liên tục đấu thầu cung 12 tấn vàng cho các DN và tổ chức tín dụng. Trong khi đó, một ngân hàng mới đây cho biết họ vẫn "âm" hơn 9 tấn vàng...
Có quá nhiều con số nhưng đến nay vẫn chưa số liệu chính thức về lượng vàng còn thiếu của các tổ chức tín dụng nhưng chắc chắn đây vẫn là con số rất lớn. Điều này cũng dễ thấy khi qua nhiều phiên đấu thầu liên tiếp, vàng của NHNN được đưa ra bao nhiêu và giá nào cũng hết.
Số liệu sơ bộ mà lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng cho biết, ước lượng trên 90% số vàng đấu thầu của NHNN do các NH mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây và đã bán ra để lấy VND. Vì thế, bao nhiêu cũng mua, và giá chát cũng mua.
Theo vị này, với mức giá trung bình 42-43,5 triệu đồng/lượng, ước tính tổng trị giá số vàng mà NHNN tung ra thị trường lên đến hơn 1.500 tỉ đồng. Chắc chắn, các đối tượng này phải rất cần mới bỏ ra một lượng tiền lớn như thế vào thời điểm này.
Các ngân hàng đang phải làm mọi cách để khắc phục hậu quả một giai đoạn huy động và cho vay vàng trước đây. Vì thế, có được một nguồn cung vàng ổn định các ngân hàng dại gì không mua. Nhớ lại thời điểm tháng 11/2012, trước thời điểm phải tất toán chưa được gia hạn, các ngân hàng nháo nhào mua vàng khiến cho giá thị trường biến động và chênh lệch rất cao. Hiện nay, nếu không có nguồn cung từ NHNN thì thị trường sẽ lại như một cái chợ vỡ và chính các ngân hàng và người mua vàng lại chịu nhiều thiệt hại.
Sau 11 phiên tung ra bán hơn 12 tấn vàng, giá vàng không những giảm chênh lệch mà còn tăng lên cao. Giải thích điều này, một quan chức NHNN thừa nhận, nhu cầu vàng từ các ngân hàng vẫn lớn và đây là lý do mà giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh nhau khá lớn. Thị trường cần có độ trễ nhất định, khi số vàng được đấu thầu ra thị trường, cung cầu sẽ cân bằng.
Bên cạnh đó, theo giám độc một DN kinh doanh vàng, chênh lệch vàng gian rộng là diễn biến bình thường khi giá thế giới tăng giảm bất thường, các DN trong nước thường có xu thế giảm giá mua, giữa giá bán để "bảo hiểm" cho chính mình... khiến khoảng cách chênh lệnh giá lên cao khi giá thế giới giảm.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần dự báo, thị trường vàng trong nước sẽ bình ổn sau ngày 30/6 khi cầu vàng từ các tổ chức tín dụng chấm dứt. Lúc đó, khoảng cách giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới. Có lẽ vì thế, mà Ngân hàng Nhà nước đang tập trung vào vấn đề mấu chốt nhất và cung cầu trên thị trường.
Chính vì thế, sau phiên đấu thầu đầu tiên, đại diện NHNN khẳng định, mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.
Ráng chịu và cố chờ
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sau ngày 30/6, thị trường vàng sẽ ổn định nhưng trước thực tế thị trường còn nhiều biến động thì cách duy nhất là phải chờ đợi và những người trong cuộc chỉ còn cách ráng mà chịu.
Một nhà kinh doanh đứng chủ hai đơn vị tham gia đấu thầu vàng vừa qua, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Doji và Ngân hàng Tiên phong cho rằng, thị trường một thời gian dài thiếu cung. Việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu cũng là hợp lý. Mặt khác, có thể qua nhiều phiên tăng cung như vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến dần đến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá. Khi cung - cầu dần được cân bằng, thị trường hoạt động ổn định hơn, giá thấp dần thì chênh lệch cũng sẽ dần thu hẹp.
"Chúng ta không thể kỳ vọng chỉ qua một vài phiên cần phải có một quá trình. Nhưng nếu không thực hiện được mục tiêu này thì ý nghĩa của việc đấu thầu sẽ không có nhiều", ông Phú nói.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) phấn tích, vấn đề bình ổn cũng đang được quan tâm nhiều, nhưng mục tiêu của NHNN đưa ra là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá. NHNN đưa vàng ra để cung ứng nguồn hàng cho thị trường, nhất là cung ứng vàng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để giải quyết vấn đề đóng trạng thái vào 30/6 tới.
Khi nguồn cung dồi dào thì giá trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Do đó, có thể sau giai đoạn các NHTM thực hiện xong việc tất toán trạng thái vàng theo yêu cầu của NHNN vào ngày 30/6 tới, thị trường vàng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Để có cái nhìn chính xác hơn về sự ổn định thị trường vàng thì phải đợi sau ngày 30/6/2013.
Quan sát những phiên đấu thấu trong thời điểm biến động giá cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kịch bản bình ổn thị trường của mình và không có nhượng bộ; không có ngoại lệ. Có lẽ, dù chịu nhiều sức ép của một nhà quản lý và lại phải đi trực tiếp mua bán vàng, NHNN hiểu rất rõ cơn khát vàng chủ yếu đến từ đâu, và phải làm gì để từ từ làm dịu cơn khát này nhưng vẫn có cách để bảo vệ tài sản nhà nước và bảo vệ chính mình trong cảnh biến động