Hội An: Giữ hồn phố cổ trước thách thức mới

23/04/2013 21:06:00 Lượt xem: 12

Phố cổ Hội An là “mảnh đất vàng” để phát triển ngành du lịch. Những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tại đô thị cổ này đã làm nên “thương hiệu” du lịch Hội An mang tầm quốc tế, song để lưu giữ được những giá trị này là một bài toán khó.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An, cho biết Hội An là một di sản sống, mỗi ngôi nhà là một di sản nên việc trùng tu phải đúng quy định về luật di sản. Hiện nay với hơn 1.000 di tích nhà cổ, trong đó 107 di tích nhà cổ đang trong tình trạng xuống cấp, gần 55 di tích xuống cấp nặng, hằng năm Hội An phải sử dụng một khoản kinh phí lớn để trùng tu các di tích.

“Thành phố luôn đề cao phương châm bảo tồn để phát triển chứ không phải là khai thác để phát triển, do đó Hội An luôn coi trọng giá trị bảo tồn, đi kèm hài hòa các lợi ích kinh tế mang lại”, ông Phùng nhấn mạnh.

Những giá trị mà khu phố cổ Hội An mang lại là vô giá, tuy nhiên để bảo tồn từng góc phố, từng ngôi nhà và nếp sinh hoạt vốn có từ bao thế hệ cư dân trong thời kỳ hội nhập hiện nay là bài toán khó khiến chính quyền Thành phố trăn trở bấy lâu nay. 

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết giải pháp hữu ích để bảo vệ khu phố cổ hiện nay là làm thế nào để người dân, chủ nhân của những ngôi nhà cổ, phải giữ gìn và bảo vệ những giá trị đích thực của di tích mà họ đang làm chủ. Chính vì vậy, Thành phố đã ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ hết sức nghiêm ngặt, phù hợp với nhu cầu sống của dân cư địa phương, đảm bảo hài hòa với không gian đô thị cổ.

Trên cơ sở đó, Thành phố cũng lập hồ sơ đối với từng ngôi nhà cổ, đồng thời hỗ trợ kinh phí ưu tiên trùng tu, sửa chữa các di tích có nguy cơ sụp đổ. Sau này, nếu chủ nhân các ngôi nhà cổ muốn bán phải trừ kinh phí mà nhà nước bỏ ra để trùng tu.

Ông Lê Văn Giảng cho rằng vấn đề bảo tồn và phát triển phố cổ Hội An không chỉ dừng lại ở mặt kiến trúc đô thị mà còn liên quan chặt chẽ đến không gian văn hóa phi vật thể đã và đang tạo nên một đô thị cổ Hội An hết sức sinh động. Đây được xem là phần hồn của phố cổ có nguy cơ bị nhạt dần theo thời gian.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có không ít những “cư dân mới” đến mua nhà cổ giá cao với lối sống mới, bỏ thờ cúng, khiến không gian nhà cổ trống rỗng về mặt tâm linh. Điều này đã làm cho những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian hay lễ hội văn hóa…của người dân phố Hội có nguy cơ bị phai nhạt dần. Đây là một thách thức lớn trong quá trình bảo tồn và phát triển đô thị cổ Hội An.

“Chúng tôi đang nỗ lực điều chỉnh thói quen, cách sống sinh hoạt của những chủ nhân mới, làm cho họ thích nghi với phong tục tập quán của cư dân địa phương vốn hiền hòa, khiêm tốn và rất giản dị, qua đó, góp phần hồi sinh những giá trị truyền thống đặc thù của đô thị cổ”, ông Giảng cho hay.

Bên cạnh đó, chủ trương phát triển du lịch dựa trên nền tảng không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và không gian sinh thái bản địa đảm bảo hài hòa các lợi ích bảo tồn và phát triển, cũng góp phần xây dựng “thương hiệu” Hội An, một điểm đến du lịch mang tầm quốc tế như hiện nay.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP
Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM
Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

(Website đang vận hành thử nghiệm để hoàn thiện giấy phép hoạt động)

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất