Nhà nước vẫn nắm nhiều quyền
Thực tế áp dụng Luật Đất đai 2003 cho thấy nhiều bất cập phát sinh từ việc Nhà nước mà cụ thể là chính quyền địa phương xác định giá đất. Một bất cập đề cập nhiều hiện nay là sự chênh lệch giá đất giữa các vùng giáp ranh.
Ông Nguyễn Văn Hà xã Nam Viêm (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nói: “Cũng đều là đất thu hồi cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhưng các xã thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được đền bù 360 triệu đồng/sào, còn xã Nam Viêm cạnh đó chỉ được đền bù 73 triệu đồng/sào”. Tương tự, tại các dự án thuộc Văn Giang (Hưng Yên) cũng là “điểm nóng” về mâu thuẫn giá đất tại vùng giáp ranh.
Nông dân mất đất ở Dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu (thành phố Bắc Ninh) chịu nhiều thiệt thòi trong đền bù đất.
Hiện tượng này được dự thảo bổ sung bằng điều khoản quy định Chính phủ quyết định giá đất ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, trong phạm vi cấp tỉnh, thành phố cũng xuất hiện sự chênh lệch về giá rất lớn giữa hai vùng giáp ranh mà chưa được giải quyết. Bà Trần Thị Én – Phó Ban giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết hiện UBND TP. Hà Nội quy định: Giá đất nông nghiệp của các huyện nội thành từ 130.000 – 252.000 đồng/m2, các huyện ngoại thành từ 56.000 – 135.000 đồng/m2 và chưa có giá đất cho vùng giáp ranh.
Ngay trong việc tổ chức định giá làm sao để giá đất gần với “thị trường” cũng cho thấy nhiều bất cập chưa được giải quyết. Trao đổi với NTNN, một đại biểu HĐND tỉnh thừa nhận, đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào dự thảo bảng giá đất và ít khi góp ý vì không có điều kiện đi thực tế để nắm giá đất thị trường trên toàn tỉnh và ít thời gian nghiên cứu tài liệu.
“Nhiều khi ban soạn thảo chỉ lấy bảng giá năm trước cộng thêm một số phần trăm để lập bàng giá mới nhưng đại biểu không tham gia ý kiến được nhiều trước khi bấm nút thông qua” – vị này nói. Theo vị này, luật mới cần đưa ra những quy định để công tác chuẩn bị bảng giá đất tốt hơn, trong đó có sự tham gia của nhân dân và các tổ chức xã hội.
Dự thảo lần này đáp ứng được một phần nguyện vọng đó khi quy định thành lập tổ chức tư vấn giá đất. Tuy nhiên, quyền hạn của tổ chức này được quy định khá dè dặt như: Chỉ thực hiện tư vấn đất khi “cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu” (Điều 110 dự thảo). Về điểm này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, quy định như vậy khó có một giá đất thực sự thị trường và dẹp được nguy cơ tham nhũng từ đất đai “vì vậy, hội đồng định giá phải có quyết định độc lập với bộ máy hành chính” – GS Võ nói.
Quan tâm quyền lợi của nông dân
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, việc quy định người dân được đền bù (theo giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất) tại thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bởi vì, thời điểm định giá và thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất là khác nhau, hiện có nhiều dự án có quyết định trước 1,2 năm nhưng chưa đền bù, giá đất được định lúc đó và đến lúc đền bù thì có nhiều thay đổi và nhiều biến động, nếu áp dụng theo quy định này là luôn gây thiệt thòi cho dân.
Thời điểm xác định giá đất và việc áp dụng giá đất đền bù lúc lập dự án, lúc phê duyệt dự án hay là lúc thực hiện dự án cũng chưa quy định thống nhất cho nên các địa phương làm còn khác nhau.
Cơ quan thu hồi đất đồng thời là cơ quan định giá đất áp giá đất cưỡng chế thu hồi đất, do vậy cũng thiếu khách quan và dễ lạm quyền. “Đề nghị quy định rõ thẩm quyền của cơ quan tham mưu giá đất, cơ quan thẩm định giá đất, cơ quan định giá đất cho phép tổ chức lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất trên cơ sở tự nguyện đồng thuận giữa các bên để đảm bảo quyền lợi của người dân” – đại biểu Phong nói.