Kiến trúc nhà rông ở mỗi dân tộc, mỗi buôn làng vùng Bắc Tây Nguyên có nhiều nét tương đồng và dị biệt, nhưng mục đích và tín ngưỡng trong thực thể kiến trúc cộng đồng này thì giống nhau. Tất cả nhà rông của các dân tộc trong vùng đều được thiết kế theo kiểu nhà sàn và sử dụng vật liệu tại chỗ như: tranh, tre, nứa và gỗ rừng.
Nhà rông được dựng ở vị trí cao ráo, thoáng đãng ngay trung tâm của buôn làng. Đặc biệt, người làng không bao giờ dùng đinh đóng hay buộc bằng dây kẽm trong bất cứ bộ phận, chi tiết nào mà chỉ kết nối bằng cách buộc dây mây hay lạt từ tre nứa có kỹ thuật và thẩm mỹ.
Khi làm nhà rông dù nhỏ hay lớn, cao hay thấp, bà con đều không có thiết kế trước như kiểu làm nhà hiện đại hay đình làng của người Kinh mà chỉ do một nhóm “nghệ nhân” có kinh nghiệm cùng với già làng thống nhất, hoạch định quy mô của nhà rông, thường thì lấy chuẩn của mô hình nhà rông truyền thống trước đó của buôn làng mình để điều chỉnh độ lớn-nhỏ, cao-thấp tùy theo khả năng, ý muốn của cộng đồng; cách thức đo đạc của người bản địa cũng rất khác, như họ thường dùng nắm tay, cẳng tay để đo độ dài...
Ảnh: Mẫu nhà rông Tây Nguyên tiêu biểu (sưu tầm)
Ở dân tộc Bahnar, Xê Đăng thường thì nhà rông được làm khá kỳ công, có tuổi thọ lâu dài và độ bền tốt hơn. Độ hoành tráng của nhà rông truyền thống Bahnar, Xê Đăng được nhiều người ngưỡng mộ với mái cong cao vút như một lưỡi rìu khổng lồ chém vào trời xanh; bộ cột chủ lực với 8 cây gỗ tốt có đường kính lớn làm trụ đỡ chính vững chãi như ngọn núi thách thức cùng mưa, gió cao nguyên. Ở người Xê Đăng và một số nhóm Bahnar sống quanh quần sơn Ngok Linh, làng thường được chọn ở vị thế đồi cao nên nhà rông dựng lên ở chính giữa ngọn đồi trông rất bề thế. Đỉnh nóc nhà rông được uốn vòng cung tạo nên điểm nhấn mang vẻ đẹp tự nhiên.
Nổi bật ở cách trang trí bên trong nhà rông là hình ảnh Thần Mặt trời chói sáng. Trên những vì kèo được chạm khắc, trang trí hoa văn hình học với nhiều màu sắc. Ở cửa chính nhà rông, thường người ta làm nhà chồ (pra) là nơi dừng chân nghỉ ngơi trước khi bước vào gian chính. Cửa phụ mở ở bên chái (bên phải cửa chính) cũng có sàn gỗ để đứng chờ. Các cầu thang lên xuống được đẽo bằng gỗ (7 hoặc 9 bậc), trên đầu cầu thang có hình rau dớn. Bên trong nhà rông còn thiết kế 2 bếp lửa dùng củi để đốt sưởi ấm hoặc nấu nướng khi có khách hoặc lễ hội của làng.
Ảnh: Nhà Rông của người Giẻ Triêng (sưu tầm)
Khi có lễ hội, giữa nhà rông, người làng còn dựng cây cột cao (cột rượu thiêng) chạm khắc hình mặt trời và sao tám cánh, nối liền là hàng cây buộc vào các cột thấp hơn theo chiều dài và để các ghè rượu cần hai bên. Không gian trước và sau nhà rông được để trống, rộng rãi là nơi sinh hoạt cộng đồng trong các mùa lễ hội.
Tuy mỗi dân tộc, mỗi buôn làng ở Bắc Tây Nguyên có kiểu cấu trúc, trang trí nhà rông khác nhau nhưng có sự giao thoa, tiếp cận văn hóa giữa các tộc người với nhau, kể cả việc học hỏi về kỹ thuật dựng nhà rông hay mỹ thuật trang trí bên ngoài cũng như bên trong ngôi nhà làng của họ. Dù có những dị biệt về hình dáng, cấu trúc, trang trí nhà rông ở mỗi dân tộc nhưng tất cả đều mang vẻ đẹp độc đáo tạo nên dấu ấn riêng của các buôn làng vùng Bắc Tây Nguyên, mang đậm dấu ấn của kiến trúc xưa và nay.
Lễ mừng nhà rông mới của người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum không chỉ có sức hấp dẫn đối với đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên.
Lễ hội mừng nhà Rông mới.
Theo Báo Gia Lai