Nhà bị “ma ám” có giá thấp hơn đến 30% so với giá thị trường.Ảnh: Internet
Tùy từng nguyên nhân chết như tự tử, chết tự nhiên hay bị giết mà ngôi nhà đó bị hạ giá nhiều hay ít. Người Hong Kong gọi những ngôi nhà này là “hongza”, tức là nhà xảy ra vụ giết người, hay được hiểu đơn giản là nhà bị “ma ám”.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng có những trang web chuyên cung cấp danh sách địa chỉ các ngôi nhà “ma ám” nhằm lợi dụng sự mê tín của người dân để kiểm soát giá nhà trên thị trường Hong Kong - một trong những thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.
Một khi bị liệt vào danh sách này, không chỉ bản thân ngôi nhà xảy ra vụ giết người bị hạ giá mà cả những ngôi nhà hàng xóm cũng bị “vạ lây”, thậm chí là cả tòa nhà đó. Ông Jacklyn Pun Ka-Yan, Giám đốc bán hàng của Công ty bất động sản Many Wells, cho biết: Các danh sách thường không nói rõ căn hộ cụ thể nào bị “ma ám”. Nếu căn hộ bị “ma ám” nằm trong một tòa nhà 30 hay 40 tầng thì có khả năng cao là giá toàn bộ các căn hộ ở tòa nhà đều bị ảnh hưởng.
Trong danh sách “nhà ma” trên mạng, thông tin được đưa vào có thể chỉ nói số tầng nhưng không phải là số căn hộ có người chết. Trong một số trường hợp, chỉ có địa chỉ của tòa nhà xuất hiện trong các danh sách. Ông Patrick Fong, người có căn hộ bị liệt vào các căn hộ cùng tầng với một căn hộ “ma ám”, nói: “Tôi cho rằng họ nên nói rõ ràng chứ không nên nói rằng toàn bộ tầng đó bị ma ám”.
Theo ông Pun, một khi nhà ai đã bị liệt vào danh sách này thì không có cách nào để ra khỏi. Trong khi đó, theo quy định, hơn 5.000 công ty kinh doanh bất động sản ở Hong Kong phải theo dõi các bất động sản “ma ám”. Quy định này được đưa ra từ năm 2004 sau khi tòa án bắt buộc mọi công ty bất động sản phải công khai khi bán các căn nhà “hongza”.
Sự việc bắt nguồn từ vụ công ty Centaline, một trong những công ty bất động sản nổi tiếng nhất Hong Kong, bị khách hàng phá vỡ hợp đồng giao dịch mua nhà năm 2001 và kiện ra tòa sau khi người này phát hiện ra căn hộ mình định mua từng có người chết. Quan tòa Benjamin Yu cho rằng, công ty kinh doanh bất động sản phải có nghĩa vụ cảnh báo với khách hàng các thông tin về ngôi nhà. Kết quả, Công ty Centaline phải trả gần 40.000 USD vì không cung cấp thông tin liên quan đến ngôi nhà.
Sau vụ này, vô số các trang web cung cấp danh sách “nhà ma” mọc lên như nấm mà không có cơ quan nào giám sát việc tập hợp các địa chỉ “nhà ma”. Trang web hk-compass.com là một trang web phổ biến nhất ở Hong Kong cung cấp các danh sách “nhà ma”. Trang web này chuyên bán các danh sách nhà “ma ám” cho các công ty kinh doanh bất động sản với giá 42 USD/năm.
Theo ông Diamond Shea Hing-wan, Chủ tịch Câu lạc bộ chủ doanh nghiệp Hong Kong, chính quyền dường như không mấy quan tâm đến việc giải quyết vấn đề khiến chủ căn hộ thiệt hại hàng triệu USD. Ông Chan, chủ của một căn nhà “ma ám”, cho rằng giải pháp rất đơn giản: “Tôi cho rằng chính quyền cần quản lý các trang web này để địa chỉ trên đó cụ thể hơn nữa”.
Một trang web cung cấp dữ liệu “nhà ma” khác là squarefoot, có 3.438 địa chỉ tính đến tháng 10/2012. Có những trường hợp trang web này chỉ nêu địa chỉ khu phố - một thông tin có thể khiến giá toàn bộ các dãy nhà ở khu phố đó sụt giảm.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hoặc công ty bất động sản đã mua những ngôi “nhà ma” với giá rẻ rồi bán hoặc cho những người không mê tín thuê để kinh doanh và tha hồ hốt bạc. Khách hàng của họ thường là những người phương Tây không mê tín đang sinh sống và làm việc ở Hong Kong.
Trong khi những đối tượng này phất nhờ “nhà ma” thì người ta không thể ước tính chính xác số lượng chủ nhà buộc phải bán nhà với giá rẻ chỉ vì ngôi nhà đó bị “ma ám”.