Theo cơ chế hiện nay, Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng nhưng thực tế tiền chi trả đền bù cho người dân là do doanh nghiệp ứng trước. Còn theo cơ chế trong Dự thảo luật đất đai sửa đổi, Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng và chi trả đền bù cho người dân.
Theo Dự thảo, sau khi Nhà nước giải phóng mặt bằng xong sẽ đem đấu giá thu tiền, như vậy sẽ không có doanh nghiệp nào đứng sau để ứng trước tiền đền bù. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp nghĩ đến tình huống, liệu các địa phương có khả năng thu xếp được nguồn tài chính đủ lớn để đền bù cho nhiều dự án trên địa bàn cùng một lúc hay không.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng cho biết: “Nguồn ngân sách đó nếu như không bố trí đầy đủ, đúng hạn thì Nhà nước triển khai quá trình thực hiên giải phóng mặt bằng, triển khai quá trình đầu tư hạ tầng còn chậm trễ hơn”.
Ông Thành cũng cho biết, hiện doanh nghiệp của ông chưa bán BĐS vào thời điểm này vì như vậy sẽ phải chấp nhận lỗ mới bán được, sau này làm dự án mới có khi phải mua lại với giá cao hơn.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại kỳ vọng việc Nhà nước thu hồi đất sau đó đấu giá công khai sẽ giúp hạn chế rủi ro trong quá trình đầu tư. Trên thực tế, không ít dự án lâm vào tình trạng mắc kẹt do không thể giải phóng mặt bằng, người dân không chịu giao đất. Thời gian càng kéo dài thua lỗ sẽ càng lớn.
Ông Trần Mạnh Tú, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP Đầu tư Xây dựng GP cho rằng: “Đối với việc Nhà nước giải phóng mặt bằng xong sau đó tổ chức đấu giá thì nhà đầu tư có thể đánh giá được việc đầu tư có hiệu quả hay không”.
Một số doanh nghiệp BĐS khác cho biết họ đang chờ đợi thông tin cụ thể được thông qua kỳ họp quốc hội khoá V này mới nên kế hoạch kinh doanh. Những thay đổi về chính sách sẽ quyết định doanh nghiệp có tiếp tục hay không tham gia thị trường này nữa.