Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ đề nóng bỏng nhất được đem ra thảo luận chính là những quan điểm của TS Alan Phan về thị trường BĐS hiện nay. Trong đó, vị chuyên gia này thẳng thắn chỉ ra rằng, nên để thị trường BĐS rơi tự do, tự điều chỉnh, từ đó, ông đưa nhận định: Giá BĐS sẽ giảm từ 30 – 50% trong thời gian từ 1 – 3 năm tới chứ không nên hỗ trợ, bơm vốn vào thị trường.
Ngay sau khi nhận định này được đưa ra, đại diện của các Hiệp hội BĐS cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này đã có những phản ứng hết sức mạnh mẽ. Thậm chí, theo đại diện của Hiệp hội BĐS Hà Nội thì những quan điểm, nhận định trên là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Xung quanh câu chuyện này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: Các chính sách gần đây của Nhà nước không phải là hướng tới việc “giải cứu” riêng ngành BĐS, càng không phải là “giải cứu đại gia” mà là hỗ trợ khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ người dân.
“Cái chính ở đây không phải là đổ một khối tiền ra giải cứu, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường phục hồi và phát triển thuận lợi” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, nên hay không nên cứu thị trường BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Nếu để khủng hoảng xảy ra và xóa đi làm lại thì mất mát cho cả xã hội là vô cùng lớn, và mất nhiều thời gian, tiền của để khôi phục.
Thứ trưởng lý giải: Với thị trường bất động sản, bàn tay quản lý của Nhà nước cần phải sâu hơn các ngành nghề khác, vì BĐS là hàng hóa đặc biệt, có tính liên thông rất cao với các thị trường khác; có giá trị tài sản rất lớn; là bộ mặt quốc gia; mang tính cộng đồng lớn và là nguồn lực tài nguyên quốc gia quý giá không tái tạo được.
Thứ trưởng phân tích: Chỉ sau 8 năm phát triển, BĐS đã có đóng góp hơn 10% vào GDP cả nước, đủ cho thấy nó là một ngành rất quan trọng của nền kinh tế. So với tỷ trọng đóng góp 20 - 30% của các nước khác, BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển trong tương lai.
Trả lời những băn khoăn chính sách hỗ trợ thị trường BĐS sẽ được thực thi như thế nào để đạt được mục tiêu hồi phục, phá băng trên thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: Khó có chính sách nào thỏa mãn 100% quyền lợi xã hội, và sẽ có đụng chạm đến một bộ phận nào đó nhưng thực thi chính sách cần gắn với tổng lợi ích xã hội.
“Đối với các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS, chúng tôi không nhấn mạnh sự hỗ trợ bằng tiền, mà là hỗ trợ bằng công cụ chính sách, cơ chế” - Thứ trưởng Nam nói.
Về những tranh cãi về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng, Thứ trưởng cũng cho biết: Bộ Xây dựng đã đề xuất cần phân bổ 2/3 số vốn này cho người mua nhà để thúc đẩy giao dịch, giúp người dân mua được nhà và doanh nghiệp cũng bán được hàng. Chỉ 1/3 còn lại nên dành cho doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm và tạo nguồn cung mới.
Đưa quan điểm nhận định về khả năng phục hồi của thị trường BĐS, Thứ trưởng cho biết: Tôi nghĩ thị trường bất động sản sẽ không có hồi phục theo hướng nóng lên ngay mà sẽ hồi phục cẩn trọng hơn, bền vững hơn. Nhà nước thận trọng hơn, doanh nghiệp thận trọng hơn và người dân cũng vậy. Nhưng chậm chắc còn hơn cứ trồi sụt theo phong trào, theo tâm lý…