Tồn kho thép cũng "loạn số liệu"

09/05/2013 17:08:43 Lượt xem: 29

Cũng như hiện trạng “loạn số liệu” tồn kho bất động sản, ngành thép đang phải đối mặt với hiện tượng thông tin thiếu xác cứ. 270.000, 290.000, 300.000 hay 330.000 tấn thép đang tồn kho?

Khởi sắc?

Những số liệu tồn kho của ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục vũ điệu biến thái chưa ngừng nghỉ.

Vào năm 2012, con số tồn kho của ngành thép đã đạt mức kỷ lục 450.000 tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa là gì nếu so với 19 triệu tấn thép tồn ứ ở Trung Quốc tính đến tháng 2/2013.

Chỉ có điều, tiềm lực kinh tế của Việt Nam yếu hơn hẳn Trung Quốc. Đất nước đang có tham vọng củng cố vị trí thứ hai trên thế giới về GDP cũng có đến hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một điều kiện cần để có thể tránh cho một số thị trường nhạy cảm như chứng khoán, BĐS và kéo theo là thị trường thép không rơi vào khủng hoảng thừa.

Trong khi đó, với tiềm lực yếu hơn hẳn, từ đầu năm 2013 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục lao đao với cơn suy thoái trầm trọng của thị trường nhà đất cùng những ngành ăn theo là xi măng và sắt thép.

Tuy nhiên,bất chấp hệ số tiêu thụ nhà đất trong năm 2012 gần như bằng 0, vào đầu năm 2013 lại xuất hiện “tín hiệu khởi sắc của ngành thép”.

 

Ảnh minh họa


Tín hiệu đầu tiên như thế được công bố vào tháng 2 năm nay, khi Thép Povina tăng giá thêm 100.000 đồng/tấn. Mức tăng này tuy chỉ rất nhỏ so với giá thành chung của thép cuốn, nhưng lại lồng trong bối cảnh thị trường BĐS bất động, số dự án tiếp tục thi công cũng như dự án khởi công mới vẫn còn rất hạn hẹp, và trên hết là tình thế tồn kho thép vẫn chưa có gì được coi là cải thiện.

Cũng như nạn “loạn số liệu” tồn kho BĐS, ngành thép đang phải đối mặt với hiện tượng thông tin thiếu xác cứ. 270.000, 290.000, 300.000 hay 330.000 tấn thép đang tồn kho?

Những số liệu trên được đánh giá từ các cơ quan liên quan như Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ công thương và một số doanh nghiệp thép chủ chốt. Nhưng hình như không ai nêu rõ lý do vì sao chỉ từ cuối năm 2012 đếnnay, thực trạng tồn kho thép lại giảm mạnh đáng kể trong tình hình tiêu thụ thép chưa có gì khởi sắc.

Thực vậy, Bộ Công thương đãkhông chỉ một lần đưa vào báo cáo của mình nhận định về khả năng phục hồi của ngành thép, suốt từ năm 2012 đến nay, cũng gần tương tự như những báo cáo khá lạc quan của BộXây dựng về khả năng “thoát đáy” của thị trường BĐS. Tuy nhiên, bất kể nhiều nhận định và dự báo được phát đi, những thị trường này vẫn một mực im lìm.

Trong khi đó, lượng thép nhập khẩu vẫn đang là một thách thức nghiệt ngã đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết có đến 2 tỷ USD nhập siêu thép và nguyên liệu các loại cho đến nay, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 500 triệu USD.

Một trong những thị trường xuất khẩu thép mạnh mẽ vào Việt Nam là Trung Quốc. Tăng gần 50% so với năm 2011, tồn kho thép ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang phải tìm cách tự giải quyết thông qua những nước có chung đường biên giới.

Xây dựng hàng rào kỹ thuật là một biện pháp chủ yếu mà Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất để bảo hộ cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Tuy thế, thực tế từ lâu nay lại cho thấy phần lớn biện pháp bảo hộ của Việt Nam đã không mấy có tác dụng trước làn sóng tiểu ngạch hàng hóa từ Trung Quốc. Và rất có thể cuộc cạnh tranh bất cân xứng về thép là một minh họa điển hình.

Sống sót cùng bất động sản?

Từ đầu năm 2012, cùng với tiếng kêu cứu của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất các ngành khác, ngành thép phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp và tương lai công nhân thất nghiệp tràn lan.

Không ít dự án sản xuất thép, trong đó có cả dự án liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài, đã phải đình hoãn vô thời hạn vì “không biết xây dựng để làm gì”. Đó cũng là bối cảnh mà sức tiêu thụ của hthị trường Việt Nam đang chìm lắng đến mức khó tưởng tượng.

Giờ đây, những ngành tồn kho liên đới mật thiết với BĐS là xi măng và sắt thép chỉ còn trông mong vào hy vọng duy nhất: địa ốc phục hồi.

Năm 2013 đã trôi qua được hơn một phần ba thời gian. Đáng lý ra, những gì có thể giải quyết đã được làm từ năm 2011 hay chậm lắm là vào năm 2012, chứ không phải kéo đến thời điểm quá muộn màng này.

Vào đầu năm 2013, trong một chuyến thăm Việt Nam, John Sheehan - thành viên của Tổ chức Giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS), người có kinh nghiệm nghiên cứu về 4 chu kỳ phát triển và suy thoái của kinh tế châu Âu và các giai đoạn sụp đổ, phát triển của thị trường BĐS ở 25 quốc gia trên thế giới - đã dành cho thị trường BĐS Việt Nam một lời bình đặc biệt: “Tôi chia thị trường thành ba giai đoạn: sau khi xảy ra khủng hoảng gọi là giai đoạn phủ nhận, thường khoảng 2 năm; giai đoạn xử lý vấn đề nợ xấu mất khoảng 4 năm; cuối cùng là khi thị trường phục hồi, mất chừng 6 năm. Việt Nam đang ở nấc ‘phủ nhận’”.

Nếu không vượt qua được vào 2013 và không giải quyết được ít nhất một nửa núi hàng tồn kho căn hộ cao cấp và trung cấp, chưa cần hết giai đoạn phủ nhận sẽ có không biết bao nhiêu đại gia BĐS phải chính thức ký vào bản án tử hình dành cho mình. Sông Đà, Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Đạt… đều là những cái tên một thời danh giá, nhưng cho đến giờ đều thật khó để hình dung về thân phận của họ sẽ ra sao nếu thị trường không được “giải cứu”.

Ngân hàng - chủ nợ lớn nhất của BĐS - một khi phải lâm vào vòng túng quẫn, người ta có thể hình dung tình thế đã trở nên bĩ cực đến mức nào. Những con số và tỷ lệ nợ xấu về bất động sản cho đến nay vẫn liên tiếp nhảy múa mà chưa chịu dừng chân ở một xác nhận mang tính khẳng định nào. Nhưng nếu chiếu theo kinh nghiệm của John Sheehan, tỷ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo, ứng với trường hợp Thái Lan vào năm 1997.

Cũng có nghĩa là ngành thép đang lâm vào tình thế “bị phủ nhận”. Và cũng có thể số liệu tồn kho thép đang không phải là 300.000 tấn như được công bố, mà còn lớn hơn, thậm chí hơn nhiều.

Cách đây không lâu, người ta cũng chứng kiến một chênh biệt lạ lùng giữa số báo cáo của Bộ xây dựng với hơn 40.000 căn hộ tồn kho trong thị trường BĐS, trong khi hãng tư vấnBĐS CBRE Việt Nam lại dẫn ra một con số khác - gần 200.000 căn hộ các loại.

(Theo Sống mới)
 
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP
Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM
Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

(Website đang vận hành thử nghiệm để hoàn thiện giấy phép hoạt động)

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất