Theo ông Huỳnh Văn Thanh, trước tình hình hàng trăm dự án bất động sản, KCN “treo” một diện tích đất rất lớn của người dân kéo dài hàng chục năm qua, gây bức xúc và thiệt hại nghiêm trọng, HĐND TP HCM vừa cho ra hẳn một Nghị quyết “Về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị”. Trong đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đã yêu cầu UBND TP rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi và năng lực nhà đầu tư của từng dự án để xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “treo” theo nguyên tắc và lộ trình cụ thể như sau:
Những dự án có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch thì có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Những dự án không còn phù hợp quy hoạch thì xem xét điều chỉnh cho phù hợp và chỉ gia hạn 1 lần cho 1 dự án nếu cần thiết. Những dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì cương quyết thu hồi quyết định giao đất, văn bản thỏa thuận địa điểm và các chủ trương khác có liên quan để kêu gọi đầu tư theo quy định và quy hoạch được duyệt.
Người dân chờ đợi lời hứa xóa 40 dự án treo trong năm 2013 không phải lời hứa suông
Vậy, việc rà soát các dự án “treo” thiếu khả thi trên địa bàn TP HCM đã thực hiện xong chưa và tình hình cụ thể thế nào, thưa ông?
Sau khi có Nghị quyết của HĐND, UBND TP đã giao về cho Sở TN-MT rà soát và xử lý các dự án chậm triển khai. Qua rà soát, chúng tôi đã báo cáo và được UBND TP chỉ đạo thống nhất hướng xử lý như sau:
Đối với các dự án có tiến độ bồi thường chậm dưới 50%, đã được gia hạn một hoặc nhiều lần rồi, thì nay không gia hạn nữa và chấm dứt pháp lý của dự án.
Đối với các dự án có tiến độ bồi thường từ 50% trở lên thì sẽ được gia hạn 1 lần nữa nhưng tối đa chỉ đến hết năm 2013, đồng thời các chủ đầu tư phải có văn bản cam kết tiến độ, thời gian thực hiện dự án. Nếu sau năm 2013 mà không hoàn tất thì mọi thủ tục pháp lý của dự án cũng sẽ bị buộc chấm dứt.
Đối với các trường hợp đã bồi thường 100% rồi (tức dự án không còn gây ảnh hưởng “treo” cho người dân nữa) nhưng do tình hình bất động sản và nguồn vốn thiếu hụt, thì UBND TP sẽ đề nghị Chính phủ cho giãn tiến độ hoặc chuyển mục tiêu đầu tư.
Ví dụ trước đây làm kinh doanh thì giờ chuyển qua làm nhà ở xã hội, hoặc cho phép chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư với các DN có năng lực tài chính để giải quyết khó khăn. Việc chuyển nhượng dự án đã có trong luật rồi, tuy nhiên luật quy định phải có điều kiện là hoàn tất cơ sở hạ tầng hoặc phần móng (với các dự án chung cư). Nhưng nhìn vào thực tế khó khăn hiện nay của DN, tôi thấy họ khó có thể thực hiện được theo đúng quy định, vì thế lãnh đạo TP đang đề nghị Chính phủ gỡ khó cho các dự án đã giải phóng xong mặt bằng 100%.
Theo kết quả rà soát, có tổng cộng bao nhiêu dự án “treo” sẽ bị “trảm”? Quyền lợi của người dân tại đây sẽ ra sao?
Kiểm tra thực tế và các văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư (kể cả đất nhà ở và đất sản xuất kinh doanh), TPHCM sẽ có khoảng 40 dự án sẽ bị chấm dứt tính pháp lý vì tiến độ bồi thường chỉ đạt dưới 50%. Tuy nhiên, phần đất DN đã bồi thường rồi thì xem như đất đó của nhà đầu tư để sau này thực hiện theo quy hoạch.
Đặc biệt, tất cả các hộ dân nằm trong vùng dự án mà chưa nhận tiền bồi thường sẽ được trả lại toàn bộ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Việc này cũng đã được lãnh đạo TP chỉ đạo và Sở TN-MT đã có thông báo cụ thể tới từng quận, huyện để thực hiện.
Hiện nay, các quận huyện đang rà soát lại và sẽ sớm công bố công khai trên địa bàn mình. Hiện đã có một số nơi thực hiện rồi, điển hình là huyện Bình Chánh đã chính thức công bố cho người dân biết một số dự án bị ngưng và có hiệu lực thực hiện ngay. Nếu không có gì thay đổi, đến hết năm 2013, khoảng 40 dự án nằm trong dạng bị ngưng tính pháp lý sẽ được công bố và thực hiện dứt điểm.
Trong các dự án bị thu hồi, người dân đã nhận tiền mà muốn trả để lấy lại đất thì sao?
Bản thân DN bị ngưng dự án, đang khó khăn về tài chính chắc cũng muốn trả lại dân để trang trải. Nhưng tôi nghĩ trường hợp dân trả tiền lấy lại đất sẽ không nhiều, vì họ còn phải trả cả tiền lãi suất nhiều năm, giá tiền bồi hoàn sẽ khá cao, chắc không ai muốn đâu. Vì thế, phần đất đã bồi thường rồi, nếu DN này không muốn hoặc không có khả năng thực hiện nữa, sắp tới TP sẽ kêu gọi đầu tư và trả chi phí lại cho họ.
Xin cảm ơn ông!