Xây nhà hát trong Công viên 23/9 (TPHCM): Tiêu hoang liệu có thuyết phục?

29/03/2013 11:27:00 Lượt xem: 15

Hiện đất để trồng và mảng xanh đô thị của TPHCM mới chỉ đạt 0,5m2/đầu người, cây xanh (che phủ) cũng đạt không quá 2m2/người.

Nơi đây sẽ là nhà hát trong tương lai (nhìn từ phía đường Lê Lai, quận 1).   Ảnh: Tuấn Vương

Con số này quá thấp so với chỉ tiêu mảng xanh đô thị trung bình của các thành phố lớn trên thế giới (đạt từ 20 - 25m2/đầu người). Thế nhưng UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch trong Công viên 23/9.
 
Phá mảng xanh?
 
Theo quy hoạch phát triển mảng xanh đô thị của TPHCM đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển mảng xanh này đạt trung bình 10 - 15m2/đầu người. Và để đạt được con số này, thành phố sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 80.000 tỷ đồng, nguồn vốn này hoàn toàn ngoài ngân sách, phải huy động từ xã hội và các thành phần kinh tế khác. Trong khi quỹ đất nội đô “bói” không ra để cây xanh, mảng xanh “mọc” thì theo báo cáo của Công ty Công viên, cây xanh TPHCM, trong năm 2011, toàn thành phố có 87 vụ “xử” cây xanh không thương tiếc. Năm 2012, số vụ “xử” này tăng vọt lên đến 120 vụ. Đa phần là do người dân, thậm chí doanh nghiệp “xử” cây để lấy mặt bằng thông thoáng để… kinh doanh.

Theo tính toán, nếu xây một nhà hát tại Công viên 23/9 cùng các công trình kỹ thuật, phụ trợ… thì đã “ngốn” hết khoảng 2ha mảng xanh. Đó là chưa kể các công trình ngầm, trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ khác sẽ mọc thêm ở đây trong tương lai. Hệ lụy là, không những người dân thành phố mất đi những khoảng xanh quý giá mà sẽ rất “phản cảm” trong con mắt người dân và doanh nghiệp khi kêu gọi họ đầu tư vào mảng xanh trong tương lai.

Theo nhận xét của giới khoa học, xã hội học, việc xây nhà hát trong Công viên 23/9, giống như đập vỡ một lọ thủy tinh để xây một cái gì khác. Sau này, nếu có tiền thì sẽ đi mua cái lọ… thủy tinh khác. Nó không khác gì việc xài sang và sẽ rất khó khắc phục hậu quả.

Cần cân nhắc...

Theo TS. KTS Nguyễn Thanh Hà (Trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ, ĐH Kiến trúc TPHCM), ý tưởng đặt nhà hát tại Công viên 23/9 là được. Tuy nhiên, thiết kế nhà hát nên phù hợp với quy mô, hình dáng của công viên. Hai con đường bên hông nhà hát (trong tương lai), hiện là nhà liên kề của người dân, không có giá trị kiến trúc gì đặc sắc nên thành phố cũng cần nghiên cứu, giải tỏa và thiết kế lại các công trình mới trên hai con đường này để “xứng tầm” với một nhà hát hiện đại trong tương lai.

Còn TS Nguyễn Minh Hoa (Trưởng khoa đô thị học, ĐH Kinh tế TPHCM) lại phản bác ý tưởng xây nhà hát tại đây. Ông Hoa nhấn mạnh: “Ngoài việc phải nghiêm túc xem xét những đánh giá về tác động môi trường, thành phố cũng phải coi những vấn đề tác động về kinh tế và xã hội khi “đẻ” ra một nhà hát tại đây”.

Theo ông Hoa, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch là một tổ hợp đa chức năng. Tuy nhiên nơi đây cũng là điểm nối kết của 2 ga xe điện ngầm Bến Thành-Suối Tiên và ga ở chợ Nguyễn Thái Bình; bãi đậu xe ngầm, bến xe buýt. Còn với người dân TPHCM, nơi đây thường được gọi là “ngã tư quốc tế” với mật độ dân cư rất cao, xe cộ đông đúc… Tất cả những thứ đó “tụ” lại, đây sẽ là nơi ô nhiễm tiếng ồn rất đậm đặc. Ông Hoa nói: “Thử nghĩ, nếu xây nhà hát thì phải thiết kế hệ thống cách âm tốn kém như thế nào để “thải” hết những tiếng ồn đó khi vào thưởng thức âm nhạc. Với quy hoạch như vậy, đó cũng sẽ là nơi tập kết của đủ các loại phương tiện, nên các khảo sát khoa học về những giải pháp giao thông sẽ là cơ sở không thể thiếu để xây nhà hát”.

TS Nguyễn Minh Hoa cũng đồng tình với TS.KTS Nguyễn Thanh Hà về việc thành phố phải chú ý đến cảnh quan kiến trúc ở hai con đường (Lê Lai và Phạm Ngũ Lão) bên hông nhà hát trong tương lai. “Tương lai, người dân và doanh nghiệp cũng sẽ xây những tòa nhà 10-15 tầng để kinh doanh, làm dịch vụ. Những kiểu xây dựng “lố nhố” này lại nằm rất sát bên hông nhà hát thì sẽ phá nát dáng vẻ của nhà hát; đồng thời cũng cản tầm nhìn để có thể chiêm ngưỡng vẻ “mỹ miều” của nhà hát từ xa”, ông Hoa nói thêm.

Có lẽ là, việc xây một nhà hát mang tính biểu trưng của một thành phố lớn năng động và phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa đã được lựa chọn. Vấn đề đặt ra chỉ là, cần phải cân nhắc nhiều phương án  để “bù” vào mảnh xanh, “lá phổi” của TPHCM (vốn đã quá ít) sẽ mất đi khi xây dựng nhà hát tại Công viên 23/9. Đồng thời, cũng cần có giải pháp về cảnh quan kiến trúc xung quanh để nhà hát không “chết chìm” trong ô nhiễm tiếng ồn và sự chật chội, bức bối vây quanh nó.
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất