Để cầm cự, chờ đợi thị trường bất động sản hồi phục, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh VLXD tìm lối ra bằng thị trường ngách.
Doanh nghiệp phía Nam chờ Bất động sản hồi phục
Dạo một vòng quanh các cửa hàng VLXD ở TP. HCM, theo ghi nhận của phóng viên, không khí mua bán khá đìu hiu, bởi từ sau Tết, rất hiếm dự án mới được khởi công xây dựng. Chị Tâm, chủ một cửa hàng VLXD khá lớn ở quận Thủ Đức cho biết, không phải bây giờ, mà gần 2 năm qua, sức mua tại các cửa hàng VLXD giảm rất mạnh.
“Cuối năm ngoái, dù không bán được nhiều, nhưng nhiều người dân sửa chữa nhà nên còn có người ra, người vào, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình tiêu thụ rất kém”, chị Tâm ngán ngẩm.
Tương tự, anh Nhân, chủ một cửa hàng VLXD khác trên đường Bình Thạnh cho biết, so với năm 2009, mức tiêu thụ VLXD của cửa hàng hiện nay giảm đến hơn 50%. Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng cửa hàng của anh vẫn túc tắc bán được hàng cho các khách hàng lẻ để sửa chữa nhà và một số ít xây dựng mới. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động, anh Nhân giảm nhân công giao hàng, đồng thời mở rộng thêm một số sản phẩm tiêu dùng khác.
Không chỉ anh Nhân, nhiều chủ cửa hàng VLXD khác trên địa bàn TP. HCM mà chúng tôi khảo sát đều cho biết, hiện chỉ bán được những đơn hàng lẻ cho các khách hàng cá nhân sửa nhà hoặc xây mới. Đây chính là nguồn khách hàng giúp các cửa hàng cầm cự để chờ đợi thị trường bất động sản phục hồi trở lại.
Theo đại diện Tổng công ty Xây dựng Đất Xanh (công ty thành viên của Tập đoàn Đất Xanh), nhìn vào tình hình thực tế của thị trường bất động sản, có thể đoán biết ngay được tình cảnh của thị trường VLXD. Phần lớn các dự án bất động sản ở TP. HCM hiện tạm dừng xây dựng và rất ít dự án mới được khởi công. Không chỉ các cửa hàng VLXD ế ẩm, các lĩnh vực liên quan đến thị trường bất động sản khác như kinh doanh trang trí nội thất cũng đều giảm.
“Có thể nói, thị trường bất động sản không chỉ liên quan đến VLXD mà nhiều ngành nghề khác. Do vậy, các lĩnh vực này chỉ có thể phát triển trở lại khi thị trường bất động sản phục hồi”, vị này cho biết.
Doanh nghiệp phía Bắc hướng vào thị trường ngách
Cũng khó khăn như thị trường phía Nam, nhưng các doanh nghiệp phía Bắc vẫn tìm được đầu ra cho sản phẩm bằng thị trường ngách. Bên cạnh đó, giá VLXD phía Bắc không còn giảm mà khá ổn định.
Khảo sát của phóng viên tại các tuyến đường một thời được mệnh danh là “thiên đường VLXD” của Hà Nội như Cát Linh, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng… đều ghi nhận được những hình ảnh khá vắng vẻ. Thậm chí trên đường Hoàng Quốc Việt, tận dụng vỉa hè rộng rãi, chủ cửa hàng VLXD còn tranh thủ bán quà sáng. Một số cửa hàng thì ngày mở cửa, ngày không.
Chủ cửa hàng chuyên bán xi măng sắt thép ngay mặt đường Phạm Văn Đồng thì nói một câu “đầy kinh nghiệm” rằng: “Cứ nghe tiếng ô tô chạy đêm qua đây là biết ngay hàng có bán được không. Trước đây, khi “sốt” bất động sản thì xe chở vật liệu xây dựng chạy rầm rập suốt đêm. Còn bây giờ, họa hoằn mới có cái xe tải tấn rưỡi chở lèo tèo vài cọng sắt chạy qua thì buôn bán gì”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp, cửa hàng gặp khó khăn. Một số vẫn có doanh thu đều nhờ đi vào thị trường ngách là hộ tiêu dùng cá nhân.
Anh Mạnh Tuấn, chủ cửa hàng bán gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh ngay đối diện Tháp đôi Hòa Bình trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cửa hàng của anh tuy chưa bán được một hợp đồng nào trên 50 triệu đồng, nhưng lượng tiêu thụ cũng khá đều bởi có nhiều khách mua lẻ để sửa chữa nhà.
Dù không nhiều như các năm trước, nhưng hoạt động sửa chữa nhà và xây mới ở Hà Nội những tháng gần đây cũng diễn ra đều. Nhất là nhiều người tranh thủ giá VLXD đang xuống thấp và tránh mùa mưa, bão sắp tới nên quyết định sửa hoặc xây mới. Anh Trọng Hảo, một thợ chuyên ép cọc làm móng nhà khoe: “Sau Tết đến giờ vẫn có việc làm đều”. Theo anh Hảo, chủ yếu các công trình vẫn được khởi công xây dựng là nhà dân trong khu vực trung tâm Hà Nội và một vài công trình vốn ngân sách đã được giải ngân. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, năm nay xây nhà rất tốt, cộng với giá vật liệu xây dựng xuống thấp nên tranh thủ xây nhà.
Đồng tình với nhận xét trên, chị Lan, chủ cửa hàng nội thất cao cấp trên phố Cát Linh phản ánh: “Giá vật liệu xây dựng không giảm mà đã đứng giá suốt từ cuối năm 2012 đến nay, nên nhiều người đã quyết định xây nhà. Đặc biệt là các sản phẩm cao cấp vẫn có “đất sống”, vì chi phí xây dựng giảm, nên người dân quay sang nâng cấp chất lượng các thiết bị trong nhà”.
Một lãnh đạo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng đưa ra nhận xét, ngành VLXD thường phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản, bởi thị trường này chính là đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, để đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng mà chỉ căn cứ vào tình hình 3 tháng đầu năm thì rất khó. Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra nhận định, tình hình tiêu thụ sản phẩm VLXD vẫn đạt khoảng 70% kế hoạch dự kiến của cả quý I.
“Tôi cho rằng, khu vực nhà dân đang có nhu cầu xây dựng lớn, nên nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng phân khúc này vẫn đang bán hàng rất tốt, chứ không phải không bán được”, vị lãnh đạo này nói.
- Theo Đầu Tư Chứng Khoán