Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải vừa đề nghị lùi thời gian cũng như giảm quy mô của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; điều chỉnh tiến độ xây tuyến đường sắt nối với các khu cảng biển, khu công nghiệp và khu du lịch lớn, tuyến đường sắt xuyên Á... để tập trung nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có.
Đó là nội dung chính của phương án điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (đơn vị tư vấn) báo cáo với Bộ Giao thông vận tải ngày 20-3-2013.
Bộ Giao thông vận tải đồng tình với đề xuất của đơn vị tư vấn nhưng đề nghị làm rõ tính kết nối của đường sắt với các loại hình vận tải khác - kết nối vùng miền, địa phương – khi có sự thay đổi của chiến lược. Theo bộ này, từ nay đến năm 2020 còn rất ngắn nên tập trung nâng cấp đường sắt hiện có là hợp lý; sau đó mới từng bước triển khai tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ đôi (khổ đường 1,435 mét).
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải cho biết, so với chiến lược phát triển đường sắt năm 2008, việc điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu tổng quát, nhưng có kế hoạch chi tiết hơn cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 - tập trung phát triển có trọng điểm, giãn tiến độ các dự án đầu tư chưa rõ ràng về nguồn vốn, chưa thực sự có nhu cầu về vận tải...
Điều cốt lõi nhất của việc điều chỉnh chiến lược phát triển đường sắt lần này là lùi thời gian triển khai dự án đường sắt cao tốc (sau 2020) cũng như điều chỉnh quy mộ từ tàu chạy trên 200 kí lô mét/giờ xuống còn 150 - 200 kí lô mét/giờ.
Được biết, cuối tuần trước, nhóm nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng các công ty tư vấn cũng đã trình bày báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu lập dự án các tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Theo nhóm nghiên cứu Việt Nam nên thực hiện phương án cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện nay đạt tốc độ chạy tàu 90 cây số một giờ; đối với đường sắt cao tốc, nên xây dựng các đoạn thí điểm ngắn kết nối với đô thị như Thủ Thiêm - Long Thành, Ngọc Hồi - Phủ Lý (xong năm 2021) để vận hành thí điểm và phục vụ đào tạo; sau đó sẽ ưu tiên xây dựng đoạn TPHCM - Nha Trang (xong năm 2030), đoạn Hà Nội - Vinh (xong năm 2035); các đoạn còn lại sẽ làm sau năm 2040.
- Theo TBKTSG