Ngày 22/3, hàng trăm doanh nghiệp đã ngồi cùng UBND thành phố Hà Nội tìm các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy trên địa bàn hiện nay đang tồn đọng 5.789 căn hộ, hơn 3.400 biệt thự và 17.500m2 sàn.
Nhiều doanh nghiệp chưa chịu bán nhà cho Hà Nội để chuyển đổi từ nhà kinh doanh sang nhà ở xã hội
Mặc dù lượng hàng tồn kho lớn như vậy nhưng chính sách tạo điều kiện chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tái định cư, nhà ở cho cán bộ công nhân viên chức cũng không được doanh nghiệp quan tâm.
“Chúng tôi đã gửi thông báo đến từng doanh nghiệp thế nhưng đến thời điểm này chưa doanh nghiệp nào đăng ký với thành phố xin chuyển đổi”, ông Thảo cho biết.
Về việc rà soát quy hoạch, đến nay Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 3 dự án từ nhà kinh doanh sang xây dựng nhà ở xã hội. Hiện có 6 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 7 địa điểm trên địa bàn Thành phố. Hà Nội tiếp tục xem xét các dự án có nhu cầu chuyển sang nhà ở xã hội và thu nhập thấp phù hợp với quy hoạch.
Thành phố đã tổ chức rà soát các dự án có quỹ nhà 30%, 50% (quỹ nhà để thành phố bán lại cho các đối tượng chính sách trong một dự án) để chuyển đổi sang nhà tái định cư, nhà xã hội, nhà công vụ... UBND thành phố cho biết, trong tổng số 24 dự án có quỹ nhà 30%, 50% có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ (trong đó có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ). Thành phố sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ để phục vụ quỹ nhà ở tái định cư, 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức Thành phố.
Hà Nội cũng điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.
Hà Nội cũng kiểm tra rà soát nợ xấu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, thực hiện phân loại nợ đầy đủ, chính xác. Đối với các dự án đang xây dựng dở dang sẽ tiếp tục cho vay. Gia hạn tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà ở bán, nhà ở cho thuê, kinh doanh kết cấu hạ tầng có khó khăn về tài chính theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BTC và khả năng cân đối ngân sách được gia hạn tối đa 24 tháng.
Để giải quyết lượng hàng tồn kho kể trên Hà Nội cũng áp dụng chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu với lại xuất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng...
Đặc biệt, thành phố sẽ tạm không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31/12/2014 (thời hạn hết hiệu lực của Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.