Theo nghiên cứu của CBRE, Savills hay Knight Frank, trong năm 2012, thị trường căn hộ, đất nền, khách sạn, bán lẻ hay văn phòng cho thuê đều gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này tiếp diễn trong quý I/2013 và dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn trong những quý tiếp theo. Đặc biệt, thực trạng nguồn cung của một số phân khúc như căn hộ, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ… tiếp tục tăng, cung lớn hơn cầu, hoặc không phù hợp với nhu cầu thị trường, khiến lượng hàng tồn kho có xu hướng tăng.
Thống kê của CBRE mới đây cho thấy, nguồn cung thị trường căn hộ Hà Nội trong quý I/2013 tăng 5% so với quý cuối năm 2012 và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2012, do sự hấp thu của thị trường rất thấp. Với các phân khúc khác, để tăng thanh khoản, chủ đầu tư cũng liên tục phải điều chỉnh giá thuê, giá bán, nhưng thị trường hiện có quá nhiều lực cản khiến thanh khoản của các phân khúc đều gặp khó khăn. Thậm chí, có phân khúc có tỷ lệ tăng trưởng… âm.
Tỷ lệ lấp đầy của căn hộ cho thuê do đơn vị trong nước quản lý đạt 79%
Trong bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS, phân khúc căn hộ cho thuê trở thành điểm sáng, khi tỷ lệ lấp đầy tăng liên tục, do nhu cầu thuê nhà ổn định và có xu hướng tăng mạnh tại các đô thị lớn.
Thống kê của CBRE cho thấy, nhóm căn hộ cho thuê thuộc quản lý của các đơn vị quốc tế tăng 2%, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 90%. Trong khi căn hộ dịch vụ thuộc quản lý của các đơn vị trong nước tăng 3%, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 79%. Thống kê của Savills Việt Nam cũng có kết quả tương tự khi cho rằng, công suất thị trường đã tăng thêm khoảng 2% theo quý và dự kiến sẽ tăng đến 9,5% trong năm 2013.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, trong khi các phân khúc BĐS khác đều gặp khó khăn về thanh khoản, thì phân khúc căn hộ cho thuê trở thành một trường hợp “ngoại lệ”, vẫn hoạt động rất tốt, với tỷ lệ cho thuê thành công rất cao.
Lý giải nguyên nhân phân khúc căn hộ cho thuê vẫn có thanh khoản cao, trong lúc thị trường nói chung rất khó khăn, ông Hà cho rằng, bản thân nhu cầu thuê nhà tại các đô thị như Hà Nội hay TP. HCM đã rất lớn. Nhu cầu này có xu hướng tăng mạnh hơn trong thời gian qua, khi giá BĐS đi xuống, người dân có tâm lý đi thuê nhà ở hơn là xuống tiền mua nhà, để chờ giá BĐS giảm thêm.
Cũng theo ông Hà, do khó khăn về đầu ra, hiện đã có một số đơn vị xin chuyển đổi dự án thương mại sang nhà cho thuê. Việc chuyển dự án thương mại sang nhà cho thuê là cái nhìn chiến lược của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, việc thu hồi vốn kéo dài tại các dự án cho thuê, nên nếu không có nguồn vốn dồi dào, doanh nghiệp sẽ khó thành công”, ông Hà cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nhà Từ Liêm cũng thừa nhận, nhu cầu thuê nhà tại các đô thị như Hà Nội và TP. HCM rất lớn, đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp BĐS.
Không phải lo “đầu ra”, nhưng theo ông Kha, doanh nghiệp lại lo việc đầu tư nhà cho thuê cần lượng vốn lớn, trong khi việc thu hồi vốn lại kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp dù rất muốn đầu tư, chuyển đổi dự án cũng phải cân nhắc.
Trong khi nhiều doanh nghiệp còn cân nhắc và chưa mặn mà với nhà cho thuê, phân khúc này vẫn có thanh khoản tốt và mang lại nhiều doanh thu cho các đơn vị môi giới.
Trao đổi với ĐTCK, nhiều đại diện sàn giao dịch BĐS thừa nhận, phân khúc nhà cho thuê mang lại doanh thu chính cho nhiều sàn BĐS hiện nay. Vì vậy, nhiều sàn giao dịch hiện đã chuyển hẳn sang mảng cho thuê hoặc tập trung nhân sự hoạt động kinh doanh nhà cho thuê là chính, thay vì việc đi bán căn hộ, đất nền, hãn hữu mới có một giao dịch thành công.