Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Tập đoàn Hòa Phát, Tổng giám đốc công ty - Trần Tuấn Dương chia sẻ mục tiêu doanh thu năm nay dự kiến thu 23.000 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng. Trong số này, lĩnh vực thép sẽ đóng góp khoảng 80%, gồm cả thép xây dựng, than cốc xuất khẩu và khoáng sản.
Trước kế hoạch này, một số cổ đông đặt câu hỏi thắc mắc về các lĩnh vực khác tập đoàn cũng đầu tư, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết xét về lâu dài, Hòa Phát sẽ không phát triển lĩnh vực này. “Những năm trước, khi kinh tế bùng nổ, không chỉ Hòa Phát mà các đơn vị khác cũng mở rộng đầu tư. Tuy nhiên sau cơn trì trệ kinh tế, doanh nghiệp phải co lại mảng bất động sản”, chủ tịch Hòa Phát khẳng định.
Nhiều cổ đông đồng thuận với phương án rút dần khỏi lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Hòa Phát
Theo ông Long, hiện tập đoàn chỉ đang hoàn thành nốt những dự án địa ốc đã thực hiện trước đó. Cụ thể, trong năm 2014, Hòa Phát sẽ tiếp tục triển khai dự án Kim Đồng (Hà Nội) vốn được đặt kế hoạch 4 năm nay. Nằm trên 2 mặt phố Kim Đồng và Trương Định, dự án nêu trên được ông Long khẳng định là "chắc chắn có lời".
Cũng trong đại hội, lãnh đạo tập đoàn cho biết dự kiến lợi nhuận của Hòa Phát quý I không dưới 800 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nhờ đóng góp doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng từ dự án Mandarin.
Một vấn đề khác cũng khiến các lãnh đạo tập đoàn dành nhiều thời gian để giải thích và trấn an cổ đông là tình hình nợ vay của Hòa Phát. Theo đó, một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc tập đoàn thường xuyên nằm trong top những doanh nghiệp vay nợ lớn trên sàn chứng khoán.
Hồi đáp những ý kiến này, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng “tất cả chỉ là vấn đề kế toán”. Ông khẳng định tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu tập đoàn ở mức dưới 60% và “chưa bao giờ điều kiện về vay vốn lại dễ dàng đối với Hòa Phát như hiện tại”.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, cuối năm 2013, vốn chủ sở hữu tập đoàn này đạt 9.497 tỷ đồng, còn trị giá nợ ngắn hạn lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Tính thêm khoản tiền gửi ngân hàng, lãnh dạo tập đoàn cho rằng Hòa Phát chỉ thực vay khoảng 5.000 tỷ đồng và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch trả cổ tức 2013 cho cổ đông với tỷ lệ 30%, một nửa số này được chia bằng tiền mặt, còn lại thông qua cổ phiếu. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh khởi sắc, tiền mặt còn dư thừa, một số cổ đông công ty đề xuất chuyện nâng tỷ lệ cổ tức bằng tiền. Tuy vậy, đòi hỏi này không được hội đồng quản trị chấp thuận.
“Nhà đầu tư cá nhân thì luôn muốn tiền mặt còn cổ đông tổ chức lại thích cổ phiếu. Chia cổ tức bằng tiền mặt khiến giá trị doanh nghiệp giảm trong khi trả bằng cổ phiếu lại giúp công ty sinh lợi lớn hơn. Không phải chúng tôi không có đủ tiền mặt nhưng vì đứng giữa nên phải cân đối giữa các bên”, ông Long giải thích.
Cũng trong năm 2013, Hòa Phát dành 41 tỷ đồng để thưởng ban điều hành do đạt kết quả kinh doanh tốt. Sang năm 2014, công ty dự kiến vẫn giữ mức trích 5% trên phần lợi nhuận vượt kế hoạch năm để thưởng ban điều hành. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 30%.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm ngoái, lãnh đạo Hòa Phát từng cho biết mục tiêu tập trung vào lĩnh vực địa ốc, sản xuất thép và vấp phải không ít quan ngại từ các cổ đông. Ngoài ra, khoản nợ 264 tỷ đồng của bầu Kiên cũng từng khiến cổ đông nóng ruột trong đại hội công ty năm ngoái nhưng doanh nghiệp này xác minh đã hoàn tất thu hồi nợ vào tháng 11/2013.