Cao tốc Bắc Nam - Siêu dự án chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế

28/04/2021 10:29:54 Lượt xem: 314

Đường cao tốc Bắc – Nam (ký hiệu toàn tuyến là CT.01) là tên gọi thông dụng nhất của một tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Đường cao tốc Bắc – Nam chỉ nối từ Hà Nội tới Cần Thơ.

lễ khởi công một đoạn cao tốc bắc nam

Với các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đang được triển khai sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo nên cú hích và tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Nhaban.vn sẽ có một loạt tin bài liên quan đến toàn bộ siêu dự án này bao gồm việc cập nhật thông tin tiến độ thi công, thông tin đầu tư từng tuyến,.... cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất về siêu dự án cao tốc bắc nam.

Đường ôtô cao tốc Bắc – Nam được xây dựng bao gồm 16 đoạn tuyến với các điểm nút là: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Dầu Giây, Long Thành, Bến Lức, Trung Lương, Mỹ Thuận và Cần Thơ.

Các tuyến cao tốc khi xây dựng bao gồm:

Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: đã hoàn thành

Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc địa phận Hà Nội, dài 30 km, theo hướng tuyến đã được xây dựng, quy mô 4 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng, khánh thành năm 2002. Giai đoạn 2 của Công trình cũng đã hoàn thành cuối năm 2018, nâng cấp lên 6 làn xe.

đoạn cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ

Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (Cầu Giẽ - Mai Sơn)

Đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình có tổng chiều dài 54km quy mô 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22 m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ.

Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn:

Đến nay 3/2021, Dự án đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2021, đưa vào khai thác tháng 12/2021.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài hơn 15,2km, tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ GTVT giao cho địa phương (Sở GTVT Ninh Bình) làm chủ đầu tư.

Dự án kết nối Cầu Giẽ Ninh Bình dài 8,02km (km265+090 - km273+125) thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình khởi công từ tháng 11/2015, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc thảm nhựa mặt đường. Đoạn tuyến đang được Sở GTVT chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành hệ thống an toàn giao thông gồm: biển báo, hàng rào và sơn vạch kẻ đường…

Đại diện Sở GTVT Ninh Bình cho biết, hiện dự án đang mời hội đồng nghiệm thu nhà nước vào kiểm tra, đánh giá. Sau đó Bộ GTVT thống nhất đưa vào khai thác. Dự kiến đoạn 8km này sẽ được đưa vào khai thác trong quý II năm 2021.

cao tốc Cao Bồ Mai Sơn

Đối với dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 7,2km, có điểm đầu Km259 + 100 thuộc địa phận huyện Ý Yên (Nam Định), điểm cuối Km274+345 thuộc địa phận huyện Yên Mô (Ninh Bình) được khởi công tháng 12/2019 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

Cập nhật 21/10/2021:

Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2021, sau hai năm thi công. Được khởi công từ tháng 12/2019, đây là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ Giao thông Vận tải giao cho địa phương làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 1.162 tỷ đồng. Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 7,2 km với 4 làn xe, có điểm đầu thuộc địa phận huyện Ý Yên (Nam Định), điểm cuối thuộc địa phận huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Sáng 4.2.2022 (mùng 4 tết Nhâm Dần), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành, thông xe cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn qua tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhiều năm nay mới có 1 mùa xuân ấm áp, việc mà cách đây mấy tháng không ai nghĩ có được như ngày hôm nay; đây cũng là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Thủ tướng cũng nhắc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá triển khai chiến dịch “tiêm chủng vắc xin mùa xuân” 2022, đạt mục tiêu hết quý 1/2022 tất cả người trên 18 tuổi tiêm hết mũi 3, trẻ em trên 12 tuổi được tiêm 2 mũi trước khi trở lại trường từ 7.2 đến 14.2.

Đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa (Mai Sơn - Nghi Sơn)

Ngày mùng 6 Tết Tân Sửu (17/2/2021), tại gói thầu 11, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 qua địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm máy móc, thiết bị, nhân sự được chia thành hàng chục mũi thi công đang khẩn trương triển khai hạng mục đào đắp nền đường.

Hiện nhà thầu đã đúc được 2 dầm chính và đúc được 50% số cọc phục vụ cho việc xây cầu bắc ngang qua đường 217B. dự án Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Về công tác GPMB, trên địa phận tỉnh Ninh Bình, chính quyền địa phương đã hoàn thành đến bù giải phóng mặt bằng được 9,3/14,4km (đạt 64,5%), tỉnh Thanh Hóa được 48/48,9Km (đạt 98,5%).

Cao tốc Mai Sơn

Tiến độ đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 sau tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo kế hoạch cuối năm 2021, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ thi công xong phần nền đường, đục thông hai hầm lớn trên tuyến là Tam Điệp và Thung Thi; thi công xong phần cọc, bệ trụ hai cầu lớn trên tuyến để vượt lũ tiểu mãn là Núi Đọ và Vĩnh An… Dự kiến trong năm 2021, giá trị sản lượng thi công của toàn dự án đạt khoảng 30%.

Cập nhật 9/3/2021:

Hiện tiến độ GPMB được đẩy nhanh vì thời gian không còn nhiều. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình quyết tâm hoàn thành GPMB trong tháng 3 để bàn giao cho dự án. Với tỉnh Nam Định, còn 1 hộ dân, Sở GTVT Ninh Bình phối hợp với tỉnh Nam Định tập trung để giải quyết dứt điểm trong tháng 3…

Cập nhật 3/4/2021:

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hoá thì đến nay, tại đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam), giải phóng mặt bằng đạt 99,9%.

Về vật liệu để thi công dự án, qua rà soát trữ lượng các mỏ vật liệu tại các địa phương cho thấy cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, công suất khai thác tại các mỏ đất và cát còn thấp. Để đảm bảo có đủ vật liệu cho thi công, Ban quản lý dự án đã kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát thực tế, có giải pháp bình ổn giá, tránh để xảy ra tình trạng tăng giá vật liệu bất thường.

Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh (Nghi Sơn - Bãi Vọt):

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt: Sáng ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã đi kiểm tra hiện trường và làm việc với tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị liên quan về tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). Với tinh thần quyết tâm cao nhất, Bộ dự kiến tháng 3/2021 khởi công dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, tháng 5 khởi công dự án Nghi Sơn – Diễn Châu. Về tổng thể công tác GPMB đáp ứng được yêu cầu, đủ điều kiện để các đơn vị triển khai thi công. Hiện tính theo chiều dài tuyến còn khoảng 0,8km đất nông nghiệp, 0,9km đất ở không tái định cư, 2,1km đất tái định cư chưa GPMB được.

Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt
Khảo sát Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt

Theo báo cáo của tư vấn TEDI, để thi công 50km đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ cần khoảng 7,9 triệu m3 đất đắp, trong đó đất tận dụng khoảng 1 triệu m3, còn thiếu 6,9 triệu khối. Đá dăm cần khoảng 500.000m3 và một số lượng cát để xử lý nền đất yếu.

Trong đó, gói 1 qua đoạn giáp ranh 2 tỉnh thì không lo về mỏ và khối lượng đất đá do ở đây đang có các mỏ đang khai thác, trữ lượng còn rất lớn. Các gói còn lại sẽ sử dụng các mỏ ở khu vực Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, trữ lượng đảm bảo nhưng đều trong dạng quy hoạch chưa được cấp phép khai thác.

Cập nhật 10/3/2021:

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 2 năm, hoàn thành năm 2023.

Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng mức đầu tư dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu giảm 1.087,47 tỷ đồng so với phương án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được phê duyệt tại Quyết định 2318 ngày 30/10/2018 của Bộ GTVT.

Cập nhật: Sáng 13/5/2021, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư ký kết hợp đồng thực hiện dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh).

Đây là dự án BOT cao tốc Bắc Nam thứ hai được Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư, sau dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa). Dự án thứ ba theo hình thức BOT là đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Khánh Hòa - Bình Thuận) dự kiến được ký hợp đồng trong vài tuần tới.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu - Bãi Vọt là hai dự án BOT đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải triển khai sau 5 năm. Giai đoạn 2011-2015, Bộ thực hiện 88 dự án BOT hạ tầng giao thông, tuy nhiên 5 năm sau không thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.

cao tốc diễn châu bãi vọt

Cập nhật 22/5/2021: Dự án đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) được khởi công tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, sáng 22/5.

Điểm đầu dự án thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An, tiếp nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An). Điểm cuối nối quốc lộ 8A đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Giai đoạn một được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn đường, nền đường rộng 32,25 m. Công trình dự kiến hoàn thành cuối 2024, thời gian khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm.

Tại Nghệ An, dự án đi qua 3 huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên với 21 xã, diện tích đất cần thu hồi khoảng hơn 360 ha, số hộ dân tái định cư gần 350. Đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng đạt trên 90%, chỉ vướng mắc về đất ở của một ít hộ dân ở huyện Yên Thành, Diễn Châu, đủ điều kiện để khởi công.

Khởi công dự án Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt

Ở Hà Tĩnh, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng 46 ha, phải thu hồi 32,73 ha. Trong đó, bao gồm cả tuyến đường chính, đường gom, khu tái định cư và trạm dừng nghỉ với 475 hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn ba xã của huyện Đức Thọ gồm: Yên Hồ, Quang Vĩnh và Thanh Bình Thịnh. Hiện, việc giải phóng mặt bằng đạt gần 100%, những hộ dân thuộc diện ảnh hưởng đã nhường đất cho dự án, dời đi đến các khu tái định cư trên địa bàn xây nhà mới sinh sống.

Cập nhật 12/2/2022: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được vay vốn tín dụng

Liên danh nhà đầu tư dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và các ngân hàng tài trợ vốn ký kết hợp đồng tín dụng dự án với hạn mức 3.560 tỷ đồng, ngày 12/2.

Đây là dự án cao tốc Bắc Nam (giai đoạn 2016-2021) cuối cùng theo hình thức PPP hoàn tất ký kết huy động vốn vay tín dụng.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, trải qua rất nhiều khó khăn đàm phán giữa các bên mới hoàn thành ký kết tín dụng.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức PPP được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư rộng rãi. Dự án được ký kết hợp đồng triển khai và khởi công vào tháng 5/2021. Theo quy định, trong vòng 6 tháng, nếu nhà đầu tư không ký kết vay vốn thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Đến đầu năm 2022, việc huy động vốn tín dụng cho dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chưa hoàn tất, nguy cơ tắc tín dụng. Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư làm việc với các ngân hàng, hạn chót là ngày 13/2.

Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình (Bãi Vọt - Cầu Bùng):

Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình dài 145 km, bắt đầu từ điểm giao với Quốc lộ 8A xã Đức Thịnh đến điểm cuối là vị trí nối với đường Hồ Chí Minh tại Km 959 thuộc địa phận huyện Bố Trạch, quy mô đường này chỉ gồm 4 làn xe.

Đoạn qua Hà Tĩnh: Bãi Vọt - Kỳ Anh: khoảng 103km.

Hướng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh
Hướng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh

Kết thúc quá trình rà soát hướng tuyến tại hiện trường theo Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 04/6/2020 của UBND tỉnh, về cơ bản, hướng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh đã được định hình, phục vụ cho việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 và đã đạt được các mục tiêu của Kế hoạch đã đề ra. Tiếp theo, Sở Giao thông vận tải là đơn vị đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh thỏa thuận hướng tuyến với Bộ Giao thông vận tải phục vụ cho các giai đoạn sau của Dự án.

Đoạn qua Quảng Bình: Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh: khoảng 110km.

Tháng 1/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình (gồm đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình) và đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) và đề nghị Bộ này xem xét bố trí vốn để thực hiện trước công tác GPMB nhằm đảm bảo thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ trong quá trình thực hiện đầu tư.

Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị (Cầu Bùng - Cam Lộ)

Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng (Cam Lộ - Tuý Loan): đang thi công

Đoạn Cam Lộ - La Sơn:

Sáng 17-2 (mùng 6 Tết Nguyên đán), đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn đã phát động ra quân đầu Xuân và kiểm tra hiện trường gói thầu XL08, thuộc dự án cao tốc bắc – nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn trên địa bàn thị Xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).

công trường cao tốc Cam Lộ La Sơn

Theo đại diện Công ty TNHH Định An (một trong số các nhà thầu liên danh gói XL08) cho biết, đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục thoát nước, hầm chui, còn lại phần nền, mặt đường, tiến độ chung đạt khoảng 34%, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Sau Tết liên danh nhà thầu tiếp tục bố trí 6 mũi thi công cầu và 5 mũi thi công đường, đồng thời sẽ tăng thêm một số mũi nữa, tăng ca tăng kíp để kịp bù lại tiến độ “chững lại” của những tháng mưa lũ cuối năm 2020 khiến công trường không triển khai được gì nhiều. Do đó, dự án sẽ được quyết liệt chạy bù tiến độ hiện đang chậm khoảng 3 tuần so với tiến độ được phê duyệt.

Đoạn La Sơn - Túy Loan:

Cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng, giai đoạn một dài khoảng 77,5km, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m; đầu tư trước 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên; còn đoạn Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5km được giữ nguyên hiện trạng thuộc quốc lộ 1 đang khai thác, dự kiến tách ra để đầu tư mở rộng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Ngày 8/3, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành khối lượng xây dựng 99%, đơn vị thi công đang bổ sung và dịch chuyển một số biển báo an toàn giao thông, dọn dẹp vệ sinh theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, sẵn sàng thông xe trong quý 2 năm 2021.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng đang được nghiệm thu để thông xe vào tháng 6/2021 tới. Sau 6 năm thi công, giai đoạn một (66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên) tuyến cao tốc với quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m dần hoàn thiện, còn đoạn Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5 km được giữ nguyên hiện trạng thuộc quốc lộ 1A. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh dự kiến tháng 6 năm nay, tuyến cao tốc sẽ thông xe sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận cho khai thác.

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Tuý Loan - Quảng Ngãi):

Tuyến cao tốc này được khởi công ngày 19-5-2013, đi qua địa phận TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Hoàn thành và thông xe cuối năm 2018. Tuy nhiên hiện dự án đang gặp nhiều vấn đề về chất lượng thi công và đang trong quá trình phục vụ điều tra.

Cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi

Dự án có tổng chiều dài hơn 139 km, trong đó tuyến cao tốc dài 131,5 km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1 dài 7,7 km. Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1,64 tỉ USD (tương đương 34.516 tỉ đồng).

Cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi

Trong đó, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 798,56 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 590,39 triệu USD; công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với số tiền 5.298 tỉ đồng. Tuyến chính cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h, đoạn đặc biệt khó khăn tốc độ 100 km/h. Các hạng mục thi công tại hiện trường được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng theo khung tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu của dự án, được Bộ GTVT phê duyệt, được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu.

Đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định (Quảng Ngãi - An Nhơn)

Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang (An Nhơn - Nha Trang)

Đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết

Hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dầu Giây - Phan Thiết nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu thi công.
Thông tin được các nhà thầu đưa ra khi Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chiều 4/3.

Tổng nhu cầu đất đắp nền hai dự án này là gần 11 triệu m3: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9 triệu m3, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cần 1,75 triệu m3. Tuy nhiên, theo hai đơn vị quản lý dự án, các mỏ đất ở địa phương Bình Thuận và Đồng Nai đã cấp phép không đáp ứng nhu cầu.

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), hiện có hơn 3,5 triệu m3 vật liệu đắp nền đủ điều kiện cung cấp, còn thiếu hơn 5,5 triệu m3. Nếu tính cả trữ lượng của 6 mỏ đang làm thủ tục cấp phép (khoảng 4,1 triệu m3), thì vẫn còn thiếu 1,4 triệu m3.

Đoạn Vĩnh Hảo Phan Thiết.

Tại khu vực phía Nam, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang được các Ban QLDA, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới Tân Sửu.

Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Sáng mùng 6 Tết trên công trường gói thầu XL03, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tại các vị trí thi công cầu vượt Tỉnh lộ 765, cầu Gia Măng (huyện Xuân Lộc)… nhiều trụ cầu đã hoàn thành phần mố cầu, công nhân đang tiếp tục thi công phần thân mố trụ cầu. Hiện tại, một bộ phận công nhân, kỹ sư vào sớm hoặc không về quê dịp Tết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đã “khởi động” lại máy móc thi công một số vị trí trên tuyến.

cao toc Phan thiết Dầu Giây

Tiến độ Cao tốc Phan Thiết Dầu Giây sau tết Tân Sửu.

Gói thầu 1-XL từ Km 00 đến km 16+400, dài 16,4 km đi qua 4 xã của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) do liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường trúng thầu thi công với tổng giá trị hơn 1.071 tỉ đồng. Gói thầu này được Bộ GTVT khởi công (cùng với gói thầu 4-XL) vào ngày 16.11.2020, tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) với sự có mặt và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: đã hoàn thành

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đoạn Long Thành – Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

cao tốc Long Thành Dầu Giây

Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 10 năm 2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng mức đầu tư giai đoạn I: 997,67 triệu USD (tương đương 20.630 tỷ đồng). Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Toàn tuyến được hoàn thành năm tháng 2 năm 2015.

quá tải trên cao tốc

Sau hơn 5 năm khai thác, tuyến cao tốc Long Thành Dầu Giây đã có dấu hiệu quá tải. Vì vậy Bộ GTVT đã có ý kiến cho phép lập quy hoạch mở rộng tuyến cao tốc này. Bộ đồng ý giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8-10 làn xe. Cụ thể, bộ yêu cầu giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8-10 làn xe ở đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Riêng đoạn Long Thành - Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe. 

Đường cao tốc Long Thành - Bến Lức:

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được phát lệnh khởi công xây dựng tháng 7 năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2024. Khi hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 và rút ngắn thời gian đi từ Long An đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện trạng Cao tốc Bến Lức Long Thành

Hiện trạng Cao tốc Bến Lức Long Thành

Tính đến tháng 11-2020, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (57,8km) đã thi công đạt khoảng 78,28% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát sử dụng nguồn vốn vay từ Tổ chức JICA đã tạm dừng thi công trên công trường. Còn các gói thầu phía Tây sử dụng vay vốn từ ADB cũng đã tạm dừng thi công. Riêng gói thầu thi công đoạn phía Đông rất chậm.

 

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương: Đã hoàn thành

Nối TP Hồ Chí Minh với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, dài 50 km. Đây là một phần của tuyến Đường cao tốc Bắc - Nam. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương có điểm đầu tuyến là nút giao thông Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh; đi qua địa bàn các xã, phường, thị trấn: thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) của thành phố Hồ Chí Minh; Mỹ Yên, Tân Bửu, Thanh Phú, An Thạnh, Thạnh Đức (huyện Bến Lức), Nhị Thành, Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa), Hướng Thọ Phú, Lợi Bình Nhơn (thành phố Tân An) của tỉnh Long An; Tân Lập 1, (huyện Tân Phước), Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) của tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (km 50) huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Cao tốc TP HCM Trung Lương

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 6, năm 2012, Nhà đầu tư tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương chính thức bàn giao tuyến đường cho Khu quản lý đường bộ VII tổ chức quản lý bảo trì và khai thác.

Trạm thu phí cao tốc TP HCM Trung Lương

Khu quản lý đường bộ VII cho biết: Mới nhận trách nhiệm quản lý tuyến đường, còn tất cả hiện trạng trên đó như thế nào thì chưa nhận. Công ty Đường bộ 715 là đơn vị tạm thời được giao trực tiếp đảm nhận quản lý bảo trì tuyến đường cao tốc báo cáo: Mỗi tháng chi phí cho công tác quản lý bảo trì tuyến đường khoảng 3 tỷ đồng.

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ:

Đoạn cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận chính thức được thông tuyến vào ngày 28/12/2020 vừa qua.

Thông tuyến cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận

Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tổng vốn dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỉ đồng. Dự án đã đạt 75% khối lượng, sẽ hoàn thành trong năm 2021. Tiếp đó tuyến cao tốc sẽ kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ cũng có kế hoạch khởi công trong đầu năm nay.

Ngày 18.1.2022, tin từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư), tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày mai 19.1, kịp thời phục vụ người dân lưu thông trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm tải cho QL1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Sáng cùng ngày, tổ công tác Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra các khâu cuối để thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án đã hoàn thành tuyến chính, những hạng mục phụ như lắp biển báo, hộ lan, hàng rào… cũng được gấp rút thực hiện 24/24 để đảm bảo kịp thông tuyến phục vụ người dân trước và sau Tết Nhâm Dần.

Được biết, sau khi thông xe kỹ thuật và hoạt động tạm dịp Tết Nhâm Dần, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tiếp tục thi công để hoàn tất vào tháng 3.2022.

Đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: cũng đã được khởi công trong năm nay, 2021.

Công trình dài gần 23 km, trong đó hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối quốc lộ 1, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh.

Ngày 19-2, tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể làm trưởng đoàn đã tham gia chương trình ra quân đầu Xuân 2021, đến thăm công trình Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 thuộc phía tỉnh Vĩnh Long.

Bộ trưởng GTVT thăm công trường
Bộ trưởng GTVT thăm công trường sau tết Tân Sửu

Tại điểm nút giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với đường tỉnh 908 (thuộc xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), gần chục xe xúc và công nhân đang khẩn trương phát hoang, đắp bờ, san phẳng mặt bằng tiến hành triển khai công trình. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ân cần thăm hỏi, động viên các công nhân đang thực hiện trên công trường, đồng thời cũng lưu ý các nhà thầu, đơn vị thi công khẩn trương thực hiện dự án với quyết tâm cao nhất nhưng cũng phải chất lượng và bảo đảm an toàn là trên hết.

Hiện trạng cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ
Hiện trạng cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ (nút giao 908).

Theo kế hoạch, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong năm 2023, còn toàn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong năm 2022.

 

80% địa phương sẽ có đường cao tốc vào năm 2030

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km (không phải 2.000km), miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74km và khu vực ĐBSCL có 40km.Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu của ngành là đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối và xây dựng hoàn thành trên 5.000km (bao gồm cả cao tốc phân kỳ quy mô đầu tư), trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam.

 

Hiện nay, với phần mềm google earth có camera từ độ cao khoảng 1.000km (so với mặt nước biển), có thể nhìn rõ các tuyến cao tốc đang dần hình thành.

Các tuyến cao tốc tại Miền Bắc

Các tuyến cao tốc tại Miền Bắc: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (CT08), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (CT04), cao tốc Hà Nội - Lào Cai (CT05), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (CT07). 

Các tuyến cao tốc tại Miền Trung

Các tuyến cao tốc tại Miền Trung: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

các tuyến cao tốc tại miền nam

Các tuyến cao tốc tại Miền Nam: Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (từ Cần Thơ đi Kiên Giang), Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (CT14).

 

 

Tổng thể các tuyến cao tốc đến năm 2030:

hình hài các tuyến cao tốc việt nam đến năm 2030

Cập nhật 21/4/2021:

Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị tư vấn đề xuất đưa vào quy hoạch 31 tuyến cao tốc với tổng mức đầu tư dự kiến là 483.848 tỷ đồng, gồm 14 dự án thành phần còn lại trên tuyến Bắc Nam phía đông là: Cửa khẩu Hữu Nghị - TP Lạng Sơn; Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh); Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh); Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình); Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình); Vạn Ninh - Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định); Quy Nhơn - Tuy Hòa (Phú Yên); Tuy Hòa - Vân Phong (Khánh Hòa); Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa); Cần Thơ - Bạc Liêu; Bạc Liêu - Cà Mau; TP HCM - Long Thành; Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng).

Ngày 22/4/2021, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đã lựa chọn xong nhà đầu tư từ năm trước, dự kiến ký hợp đồng vào cuối tháng 4 và khởi công trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, các dự án đang bế tắc tại vòng thương thảo hợp đồng với nhà đầu tư, chủ yếu là cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu; thanh toán phần vốn Nhà nước; quyết toán dự án, ứng vốn cho nhà thầu...

Cập nhật 26/4/2021:

Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến, hết tháng 4/2021, bộ sẽ giải ngân được 10.858 tỷ đồng/42.996 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch cả năm. Trong đó, với các đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công, có 2 dự án giải ngân vượt tiến độ, các dự án còn lại cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dự kiến sẽ thông xe vào tháng 10 tới

Công trường thi công Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dự kiến sẽ thông xe vào tháng 10 tới.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, riêng trong tháng 4, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 4.011 tỷ đồng, vượt kế hoạch đăng ký khoảng 507 tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư công Bộ GTVT giải ngân 4 tháng đầu năm ước đạt 10.858 tỷ đồng, trong tổng số 42.996 tỷ đồng ngân sách nhà nước giao cho năm 2021. Trong đó, chủ yếu vốn được giải ngân cho xây dựng các đoạn đầu tư công cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Bộ GTVT đang rất quyết liệt đốc thúc các dự án cao tốc. Dự án chậm tiến độ, giải ngân chậm sẽ không được giao thêm dự án mới trong thời gian tới. Cùng với đó, chủ đầu tư nào giải ngân chậm Bộ GTVT sẽ thu hồi vốn để điều chuyển sang dự án khác giải ngân tốt, không để tình trạng ôm vốn rồi không giải ngân được. Ngoài ra, bộ sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân chậm, dự án chậm tiến độ.

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 26-4-2021 về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc" và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. 

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát quy định của pháp luật để đề xuất các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án đường cao tốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Cần rút kinh nghiệm các đề xuất trước đây làm bế tắc khi triển khai theo phương thức PPP và BOT.

nhaban.vn Tổng hợp

Hỏi đáp thông tin về cao tốc Bắc Nam

Cập nhật Ngày 1/9/2021:

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, nêu rõ đến năm 2050, các tuyến cao tốc gồm: tuyến Bắc Nam phía Đông (Lạng Sơn - Cà Mau) dài hơn 2.000 km, quy mô 4-10 làn xe; tuyến Bắc Nam phía Tây dài hơn 1.200 km, quy mô 4-6 làn xe.

Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài 2.300 km; miền Trung - Tây Nguyên có 10 tuyến, chiều dài 1.400 km; phía Nam có 10 tuyến, chiều dài 1.290 km.

Vành đai đô thị Hà Nội có 3 tuyến, dài 425 km; vành đai đô thị TP HCM gồm 2 tuyến, dài gần 300 km.

Năm 2021, cả nước có hơn 1.160 km cao tốc. Như vậy, đến năm 2030 sẽ có thêm 3.840 km; đến năm 2050 tăng tiếp 7.840 km.

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, cả nước dự kiến có 172 tuyến quốc lộ, tổng 30.000 km. Đường bộ ven biển chạy qua 20 tỉnh, thành dài 3.000 km. Các dự án được ưu tiên đầu tư dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy hiệu quả ngay.


Cập nhật tiến độ xây dựng cao tốc Bắc Nam ngày 25/11/2021.

Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội chủ trương đầu tư tiếp 12 dự án cao tốc Bắc Nam để nối thông toàn tuyến đến năm 2025. (Nguồn: vn-express)

Các tuyến đã khai thác: Tổng chiều dài gần 500km. Gồm các tuyến Chi Lăng tới Ninh Bình, La Sơn - Hòa Liên, Túy Loan - Quảng Ngãi, 1 phần cao tốc Quy Nhơn, Đèo Cả - Vân Phong, Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương.

Các tuyến đang triển khai: Tổng chiều dài hơn 800km. Gồm các tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng, Ninh Bình - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức, Trung Lương - Cần Thơ.

Hơn 700km các tuyến đang đầu tư: Gồm Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Đèo Cả, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau.

Cùng với gần 30km chưa được đầu tư là đoạn Hòa Liên - Túy Loan.  

Tổng toàn tuyến sau khi nối thông vào khoảng 2.063km, hình thành tuyến cao tốc số 1 tại phía Đông.

Cập nhật 27/4/2022: Khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Phát biểu tại lễ khánh thành sáng nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói việc hoàn thành cao tốc là bước khởi đầu để từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361 km cao tốc trên tuyến Bắc – Nam; đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Việc đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực...

Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả.

Công trình khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành bốn năm sau. Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

Sau 13 năm triển khai, đầu năm nay, cao tốc thông xe kỹ thuật. Đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cao tốc cho ôtô vào chạy hơn hai tuần nhằm giảm tải cho quốc lộ 1, sau đó đóng từ 11/2 để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tuyến hoạt động giúp rút thời gian TP HCM đi Mỹ Thuận từ ba tiếng còn 1 tiếng 45 phút.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.
Từ khóa:

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất