64% không cải thiện được đời sống
Tại buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê thành phố công bố kết quả khảo sát đời sống của 1.200 hộ dân sau khi tái định cư…
Theo đó, về thu nhập, số hộ có cải thiện nhiều chiếm 5,1%; cải thiện ít 30,9%, như cũ 37,8 %, giảm thu nhập 22,5%, giảm sút nhiều 3,6%. Như vậy, sau tái định cư, chỉ có 36% số hộ thu nhập có cải thiện, 64% còn lại đời sống như cũ hoặc giảm sút.
Đó mới chỉ ở góc độ thu nhập, đi vào chi tiết hơn thì người dân tái định cư không hài lòng vì ở chung cư có quá nhiều khoản chi phí phát sinh không giống như cuộc sống trước đây, chẳng khác nào thuê nhà, không phù hợp với cuộc sống người dân.
Còn những người được tái định cư bằng nền nhà thì không đủ điều kiện xây dựng theo quy hoạch… Một kết luận chung được rút ra, đó là người dân không mặn mà với nhà tái định cư.
Chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh dành để tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trong dự án đại lộ Đông – Tây. Sau một thời gian chỉ còn vài hộ thực sự là người tái định cư. Số còn lại đã sang nhượng và đi chỗ khác sinh sống. Ảnh: TL |
Chủ trương của Nhà nước là làm sao đảm bảo đời sống người dân sau thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng thực tế thì không được như vậy.
Theo ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố - ở quận 12 có dự án tái định cư gồm 60 căn hộ, nhưng chỉ sau một thời gian chỉ còn có 7 hộ tái định cư còn trụ lại.
Nhiều người dân vốn sống ở xã Đa Phước bị giải tỏa, tái định cư ở Vĩnh Lộc (khoảng cách giữa 2 nơi hơn 15km), với khoảng cách quá xa, mất công ăn việc làm hoặc bị ảnh hưởng, đời song của họ bị đảo lộn.
Nguyên nhân - theo ông Huỳnh Công Hùng - bất cập ở đây là người dân mặc dù được tái định cư nhưng không an cư, vấn đề làm sao để người dân sống được trong các khu tái định cư thì mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Chất lượng sống thấp
Một vấn đề khác cũng khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư, đó là chất lượng chung cư, chất lượng cuộc sống.
Một số chung cư như Tân Mỹ (quận 7), Bình Trưng Đông (quận 2)… mới chỉ đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp. Chung cư Bình Trưng Đông đã xuống cấp trên diện rộng, hiện nay không có kinh phí sửa chữa.
Chung cư Tân Mỹ (giáp Phú Mỹ Hưng, một thời là điển hình về tái định cư ở Tp.HCM) chất lượng cuộc sống người dân không đảm bảo; mất vệ sinh (người dân vứt rác từ tầng 10 xuống sân chung); tình trạng mất cắp các thiết bị phòng cháy-chữa cháy diễn ra thường xuyên.
Cuối cùng, người ta phải chọn giải pháp gửi các thiết bị này cho các căn hộ gần đó giữ. Điều này - theo thừa nhận của cơ quan chức năng - là vô cùng nguy hiểm, vì nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì không biết làm sao?
Về mặt quản lý, các chung cư tái định cư hiện nay giao cho các Cty dịch vụ công ích quản lý; tuy nhiên, thành phố chưa thống nhất được mức phí quản lý. Do mức thu phí quản lý thấp đã không đủ bù chi phí, nên các chung cư xuống cấp rất nhanh…
Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội - cho rằng kết quả điều tra 1.200 hộ tái định đã chỉ ra vì sao người dân chưa mặn mà với nhà tái định cư. Giải bài toán bất cập này như thế nào đây?
Theo bà Nhung, các khu tái định cư phải đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cuộc sống người dân, chứ xây dựng như khu tái định cư Vĩnh Lộc, một năm rồi chưa có đường thì làm sao thu hút người dân.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung cảnh báo: “Nếu thành phố mua căn hộ để tái định cư cho dân trong khi người dân không mặn mà, sẽ dẫn đến thừa. Lãng phí là đây! Xây dựng nhiều nhưng người dân không ở, các đồng chí nghĩ sao? Trong khi đó, người dân bị giải tỏa nhận tiền đi mua đất nông nghiệp, xây dựng không phép làm hình thành nên những khu nhà ngoài quy hoạch mà thành phố đã cưỡng chế vừa rồi”…
Kết thúc 2 buổi làm việc, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được giải pháp gì để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân tái định cư.