Khu Zone 9 chính thức ngừng hoạt động từ ngày 23/12/2013, cũng khép lại thời “hoàng kim” của một điểm “làm ăn” sôi động bậc nhất trên địa bàn Thủ đô. Nhưng, đó cũng có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua giành lại “khu đất vàng” sau đường đi lòng vòng bởi các thương vụ làm ăn từ người chủ đầu của nó.
Tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, trước tháng 10/2012, khu đất hơn 11.200m2 tại địa chỉ số 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được giao cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 quản lý.
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất không phù hợp ở khu vực nội đô, diện tích đất nói trên sau đó đã được doanh nghiệp trên hợp tác với các đối tác thành lập Công ty Bình An. Việc ra đời pháp nhân mới có tên Bình An được cho là nhằm hỗ trợ Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 đầu tư xây dựng nhà máy mới ở vị trí khác, đồng thời xin đơn vị có thẩm quyền lập dự án đầu tư tại khu đất di dời.
Ngày 22/12/2013 là ngày cuối cùng khu Zone 9 được hoạt động theo như chỉ đạo của cơ quan chức năng. Từ ngày 23/12/2013, các hoạt động kinh doanh trên khu đất nói trên sẽ bị dừng lại theo như thông báo của UBND phường Bạch Đằng. |
Gần như sau đó, khu đất hơn 11.000m2 này được Hà Nội chấp thuận cho Công ty Bình An làm chủ đầu tư để xây dựng tổ hợp công trình văn phòng làm việc, trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau đó lấy lý do khu đất nằm ở vị trí có tệ nạn xã hội cũng như nguy cơ bị lấn chiếm, Cty Bình An đã lên kế hoạch cho bên thứ ba thuê lại để kinh doanh.
Và chính thức từ ngày 1/8/2013, Cty Bình An đã ký hợp đồng với Cty Tiến Bộ sử dụng “khu đất vàng” nói trên. Thế nhưng, khu đất này tiếp tục “đổi chủ” khi bên thuê là Cty Tiến Bộ tiếp tục ký hợp đồng với Cty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt (Cty Thành Đạt). Lấy lý do để có kinh phí quản lý, sau khi được quản lý khu đất, Cty Thành Đạt lại ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hộ kinh doanh cá thể. Về những “cá thể” làm ăn trên khu Zone 9, chủ đất là Cty Thành Đạt trong báo cáo của mình cho đến thời điểm này cũng khẳng định là “chưa nắm được số lượng các hộ kinh doanh”.
Trong một diễn biến khác, thêm một doanh nghiệp của ngành dầu khí cũng “nhòm ngó” vào khu Zone 9, khi Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) có thông tin về việc duyệt chủ trương đầu tư vào dự án tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất này.
Theo đó, PVR sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần của một doanh nghiệp từng nhận chuyển nhượng 70,5% số vốn của Cty Bình An với điều kiện dự án này phải được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, PVR và Cty Bình An sẽ tổ chức chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng dự án, vận hành và kinh doanh dự án, phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ tương ứng sở hữu cổ phần.
Với tổng mức đầu tư 1.685 tỷ đồng, nếu thương vụ mua bán cổ phần của PVR hoàn tất để trở thành “chủ sở hữu” khu đất số 9 Trần Thánh Tông, thì theo dự kiến, khu Zone 9 sau khi được xây dựng sẽ trở thành tổ hợp nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê bao gồm tòa nhà cao 9 tầng nổi, 3 tầng hầm với tổng diện tích sàn 71.042m2.
Ngày 22/12/2013 là ngày cuối cùng khu Zone 9 được hoạt động theo như chỉ đạo của cơ quan chức năng. Bắt đầu từ ngày 23/12/2013, các hoạt động kinh doanh trên khu đất nói trên sẽ bị dừng lại theo như thông báo của UBND phường Bạch Đằng.
Mặt bằng của khu đất sẽ được trả lại sau khi các hộ kinh doanh cá thể chuyển đồ đạc ra khỏi đó, chấm dứt thời “hoàng kim” của một điểm “làm ăn” sôi động bậc nhất trên địa bàn Thủ đô. Nhưng, có thể nó sẽ là khởi đầu mới cho các thương vụ hợp tác sau đó, dù không ầm ĩ nhưng lại hé lộ được ai sẽ nắm giữ khoảnh “đất vàng” từng thuộc quyền quản lý của công ty chuyên cung cấp thuốc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.